29/05/2018 - 10:07

Chính trường Ý lún sâu vào khủng hoảng 

Chính trường Ý đang đứng trước nguy cơ lún sâu vào cuộc khủng hoảng mới sau khi Tổng thống Sergio Mattarella (ảnh) và Thủ tướng được đề cử Giuseppe Conte thất bại trong nỗ lực đàm phán lập chính phủ mới. Theo dự đoán của giới quan sát, nhiều khả năng Ý sẽ khó tránh khỏi cuộc bầu cử sớm trong bối cảnh hỗn loạn chính trị và hiến pháp hiện nay.

 Ảnh: Reuters

Kể từ cuộc bầu cử tháng 3, Ý vẫn chưa có chính phủ mới vì không đảng nào giành được thế đa số để tự đứng ra lập chính phủ. Sau nhiều ngày đàm phán, đảng dân túy Phong trào 5 sao (M5S) cùng đảng cực hữu Lega (trước đây là Liên đoàn Phương Bắc) đầu tháng này đã đạt thỏa thuận lập liên minh và chỉ định Giáo sư luật Conte làm Thủ tướng nhằm phá vỡ bế tắc chính trị kéo dài 11 tuần. Hôm 23-5, Tổng thống Mattarella đã phê chuẩn đề cử trên đồng thời giao cho nhân vật tương đối trung dung về mặt chính trị này nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, ông Conte hôm 27-5 bất ngờ tuyên bố từ chức do mâu thuẫn với Tổng thống Mattarella xung quanh ứng viên Bộ trưởng Kinh tế. Theo đó, ông Conte muốn bổ nhiệm nhân vật nổi tiếng với khuynh hướng hoài nghi châu Âu Paolo Savona nhưng đã bị Tổng thống Mattarella phủ quyết.

Theo luật pháp Ý, tổng thống có quyền phủ quyết việc bổ nhiệm thành viên nội các. Song, động thái của ông Matarella đã dấy lên phản ứng giận dữ của các đảng dân túy. Thủ lĩnh M5S Luigi Di Maio thậm chí kêu gọi luận tội tổng thống sau khi chỉ trích quyết định của Tổng thống Mattarella là “không thể chấp nhận” và tạo nên một cuộc “khủng hoảng hiến pháp”. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lega Matteo Salvini cho biết Ý phải tiến hành tổng tuyển cử lại nếu tổng thống không chấp thuận đề xuất ông Savona làm Bộ trưởng Kinh tế.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mattarella cho biết ông vốn chấp thuận tất cả đề xuất nội các của Thủ tướng Conte, ngoại trừ ứng viên Bộ trưởng Kinh tế. Được biết, ông Savona (81 tuổi) từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Công nghiệp trong thập niên 1990. Là người nổi tiếng với quan điểm hoài nghi châu Âu và chống thắt lưng buộc bụng, ông Savona từng gọi việc Ý gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là “sai lầm lịch sử” và tuyên bố nước này nên chuẩn bị cho sự kiện rút khỏi Eurozone “cho dù sẵn sàng hay bị ép buộc” . Nếu bổ nhiệm nhân vật này, Tổng thống Mattarella quan ngại động thái như vậy sẽ phát đi thông điệp hoặc lời cảnh báo đến thế giới tài chính, đẩy kinh tế Ý vào bất ổn và đặt ra rủi ro trực tiếp đối với người dân. Về khả năng bị luận tội, Tổng thống Ý khẳng định ông có quyền ngăn chặn những đề cử nào có thể làm tổn hại lợi ích quốc gia. Ông cũng cho biết đã yêu cầu liên minh M5S-Lega đề cử bất kỳ ứng viên nào khác cho chức vụ Bộ trưởng Kinh tế miễn là không ủng hộ chủ trương rời Eurozone, nhưng hai đảng này đều không chấp thuận.

Ngày 28-5, Tổng thống Mattarella đã chỉ định ông Carlo Cottarelli (ảnh nhỏ) - cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - làm Thủ tướng lâm thời để thành lập chính phủ mới. Ngay sau đó, Thủ tướng tạm quyền Cottarelli thông báo sẽ tiến hành cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2019.  Ông Cottarelli, 64 tuổi, từng làm việc tại IMF giai đoạn 2008-2013 và nổi tiếng với biệt danh “Ngài cắt kéo” do có các biện pháp cắt giảm chi tiêu công tại Ý. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Mattarella, ông Cottarelli cho biết nếu chính phủ của ông được Quốc hội thông qua, ông sẽ đề xuất lên Nghị viện chương trình nghị sự bao gồm một cuộc bỏ phiếu về ngân sách 2019, sau đó Quốc hội sẽ giải tán và sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, ông Cottarelli cũng cho biết thêm trong trường hợp chính phủ không được Quốc hội thông qua, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra “sau tháng tám”.

Theo báo Guardian, việc Tổng thống Ý bác bỏ việc bổ nhiệm Bộ trưởng Kinh tế là động thái chưa từng thấy trong lịch sử gần đây. Nó phơi bày mâu thuẫn nghiêm trọng giữa người đứng đầu nhà nước được cho là trung lập về chính trị (ông Mattarella) với phe dân túy M5S và cực hữu Lega vốn ủng hộ quan hệ đối đầu với Brussels. Trong bối cảnh tranh luận giữa tổng thống và phe dân túy về vai trò thành viên của Ý trong Eurozone tiếp tục bế tắc, một số nhà phân tích tin rằng bất kỳ động thái nào của ông Mattarella chống lại các đảng dân túy sẽ chỉ khiến phe này tiếp tục được ủng hộ và thúc đẩy xu hướng bài EU tại Ý, dẫn đến chiến thắng lớn hơn nữa cho M5S và Lega trong kỳ bầu cử sớm nếu có. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU)  lo ngại chính phủ liên minh M5S-Lega có tư tưởng chống châu Âu có thể phá hỏng kỷ luật ngân sách của khối, đồng thời đẩy Eurozone trở lại thời kỳ khủng hoảng nợ công tồi tệ như cách đây vài năm. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết