04/08/2017 - 08:06

Chính sách điểm cộng

Kết quả đợt 1 tuyển sinh đại học năm 2017 là vấn đề nóng dư luận xã hội đang quan tâm. Trong đó, nổi bật là việc thí sinh điểm cao ngất ngưởng- 29, 30 điểm, vẫn bị trượt nguyện vọng 1. Việc điểm chuẩn năm nay cao ngất ngưởng cũng gây ra nhiều ý kiến bất đồng trong ngành giáo dục nói riêng cũng như trong toàn xã hội nói chung.

Một vấn đề dư luận đặt ra là điểm cộng có công bằng cho học sinh thành phố, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà khoảng cách vùng miền đang ngày càng được rút ngắn bởi sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật. Trong một khảo sát trên trang mạng news.zing.vn, với câu hỏi “Mức cộng ưu tiên lên đến 3,5 điểm có hợp lý?”, có đến 46,18% ý kiến bình chọn (tính đến 16 giờ ngày 3-8-2017) cho là “Rất không hợp lý”, 33,92% ý kiến bình chọn (cũng tính đến thời điểm trên) cho rằng “Nên giảm điểm cộng ưu tiên”. Quả thật, đây là vấn đề gây không ít bức xúc. Thử khảo sát danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 ngành Luật-  ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Cần Thơ, cho thấy, với điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 là 25,25 điểm, có 283 thí sinh trúng tuyển và trong số đó, trên 260 thí sinh có điểm cộng khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, trong 24 thí sinh đạt từ 27,5 điểm trở lên chỉ có 1 thí sinh là không có điểm cộng ưu tiên. Nói về điểm cộng ưu tiên, một giáo viên THPT ở Hà Nội nêu quan điểm: “Chính vì điểm chuẩn cao làm cho điểm ưu tiên càng trở nên không hợp lý, đặc biệt là khó tuyển được thí sinh KV3. VD: thí sinh KV3 được 30 điểm vẫn thua thí sinh khu vực khác được 29 + 1.5. Nếu là tôi thì tôi sẽ chọn thí sinh 30 điểm” (dẫn nguồn từ baomoi.com).

Truy căn nguyên bất cập của điểm chuẩn, nhiều ý kiến cho rằng đó là do đề thi dễ, tính phân hóa không cao, dẫn đến điểm chuẩn được xác định cao. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng: “Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng. Chỉ khi nào có trải nghiệm cuộc sống ở những vùng khó khăn thì chúng ta mới cảm nhận được sự cần thiết của chính sách này”. Tuy nhiên, bà Phụng cũng nói rằng: “Chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, có thể cũng thay đổi khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi” (dẫn nguồn từ vnexpress.net).

Trong thi cử, chuyện chênh lệch điểm ít nhiều, dẫn đến đậu, rớt là chuyện tất yếu. Vấn đề là đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh; đồng thời, qua kỳ thi phải chọn lựa được những thí sinh ưu tú nhất, phù hợp nhất với mục tiêu đào tạo của trường. Ngành giáo dục đang trong quá trình cải tiến, đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển, trong đó, có cải tiến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, qua kỳ tuyển sinh năm nay, dư luận vẫn trông chờ vào sự điều chỉnh phù hợp cho những kỳ tuyển sinh tới. Và có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên cân nhắc về lộ trình giảm điểm ưu tiên một cách có tình có lý. 

Khuê Nguyễn

Chia sẻ bài viết