09/03/2010 - 20:37

ĐƯA HÀNG VIỆT ĐẾN VÙNG SÂU, BIÊN GIỚI

Chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng hàng hóa

Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.

Bốn phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện vùng sâu và biên giới các tỉnh An Giang, Đồng Tháp bước đầu đã khẳng định được hiệu quả bởi sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường nội địa và nông thôn, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam cần có chiến lược thuyết phục người tiêu dùng, nhất là tại các chợ biên giới, thu hút đông đảo khách hàng khắp nơi mua sắm...

GIÁ HÀNG THẤP HƠN 10-20%

Hai phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp là huyện Tân Hồng và huyện Tháp Mười vừa qua thật sôi động, vượt ngoài sự mong đợi của doanh nghiệp. Chị Lê Thị Kim Tuyền, Quản lý bán hàng Công ty cổ phần nhôm nhựa Kim Hằng, cho biết: “Người dân rất quan tâm đến phiên chợ này. Khi chúng tôi mới đưa xe đến, chưa kịp bày hàng ra, đã có người đến hỏi mua. Mục đích của công ty tham gia phiên chợ này chủ yếu để quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng sức mua tại những ngày diễn ra phiên chợ tăng mạnh. Có những hóa đơn bán ra đến vài triệu đồng...”.

Người dân nông thôn quan tâm đến phiên chợ bởi nét mới lạ và sự tò mò. Nhưng khi đến phiên chợ, họ bị hấp dẫn bởi giá cả. Hầu hết các công ty đều bán hàng tại phiên chợ với giá thấp hơn 10-20% so với giá thị trường. “Chiêu” mua một được hai (tặng kèm sản phẩm khuyến mãi) càng tăng thêm tính hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Giữa trưa nắng oi bức nhưng vẫn không ngăn được bước chân của khách hàng đến với phiên chợ. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, người dân ở thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng) đến phiên chợ khi đã quá trưa, cho biết: “Nghe tin có phiên chợ bán hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn, tôi muốn tới coi cho biết. Doanh nghiệp không bày trí nhiều và đẹp mắt như tại hội chợ nhưng cũng rất đầy đủ sản phẩm. Những phiên chợ này giúp người tiêu dùng mua hàng trực tiếp của công ty, giá rẻ hơn. Điều quan trọng là mua hàng đúng hãng, đúng chất lượng...”.

Với phương châm “bán gọn, dọn nhanh”, phiên chợ hàng Việt thật đơn giản. Mỗi doanh nghiệp chở hàng trên 1-2 xe tải đến phiên chợ và bày hàng hóa lên kệ, bàn mà không có mái che, khung nhà tiền chế. Đúng nghĩa chợ phiên. Thoạt nhìn, nhiều người ngờ ngợ vì trông giống “gánh lô tô” hơn là bày bán hàng có thương hiệu. Bà Bảy Lón, người tiêu dùng lớn tuổi ở địa phương, cho biết: “Ban đầu, tôi bán tín bán nghi nhưng khi thấy biển hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và vào tham quan các gian hàng, tôi mới chắc đó là hàng chất lượng mà người tiêu dùng đang cần...”.

Ở các huyện biên giới Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), An Phú, Tịnh Biên (An Giang)... cuộc “giằng co” giữa hàng Việt Nam và hàng Thái Lan rất quyết liệt. Đa số người tiêu dùng địa phương và khách đến đây du lịch, mua sắm rất ưa chuộng hàng Thái Lan. Vì vậy, những phiên chợ này tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam tại thị trường vùng biên giới. Chị Sophia đổ đường từ Bontia Chăk Crây (tỉnh Prey Veng, Campuchia) hơn 20km đến phiên chợ hàng Việt tại huyện Tân Hồng, cho biết: “Người tiêu dùng Campuchia thích dùng hàng Việt Nam lắm. Đặc biệt là hàng nhôm, nhựa... có chất lượng cao, mẫu đẹp và giá rẻ hơn hàng Thái Lan. Nếu những phiên chợ này được tổ chức thường xuyên ở biên giới và thông báo rộng rãi cho người dân biết thì khách hàng sẽ rất đông...”.

CẦN CÓ SIÊU THỊ HÀNG VIỆT

Mỗi phiên chợ chỉ có khoảng 30-50 doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm. Phần lớn bày bán các sản phẩm gia dụng, mỹ phẩm thông thường, mì gói... nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, đại diện Công ty nhựa Duy Tân, cho biết: “Những phiên chợ này chủ yếu để quảng bá hình ảnh công ty và sản phẩm mới. Nhưng khi tiếp cận thị trường, tôi mới thấy sức mua tại khu vực nông thôn rất mạnh; người tiêu dùng đã chú ý đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm rồi mới tới giá cả. Điều đó cho thấy khách hàng đã trở nên khó tính...” .

Chị Tuyết Lan, người tiêu dùng ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến mua sắm tại phiên chợ hàng Việt, cho biết: “Đời sống vùng nông thôn đã khá hơn rồi nên nhu cầu mua sắm rất cao. Những phiên chợ thế này chỉ mới dừng lại ở khâu quảng bá được sản phẩm chứ chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Tôi nghĩ, ban tổ chức phiên chợ cần có những quầy hàng trưng bán nhiều loại sản phẩm mà các doanh nghiệp không trực tiếp đưa hàng đến chợ phiên để người tiêu dùng có dịp mua sắm các mặt hàng mới. Nếu các phiên chợ này được tổ chức theo định kỳ và thông báo rộng rãi sẽ thu hút đông đảo khách hàng đến mua sắm. Ở đó, có doanh nghiệp đến quảng bá sản phẩm nhưng phải có những quầy hàng “thập cẩm”, bán đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm khô và đông lạnh... Có thể nói, đó là một siêu thị di động tại các chợ phiên, sẽ rất ăn khách”. Ý tưởng của chị Lan còn khá mới mẻ nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được khi doanh nghiệp muốn giành lại thị trường tiêu dùng nội địa, nhất là khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Ngọc Em, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch tỉnh An Giang, cho biết: “Tại siêu thị miễn thuế Tịnh Biên qua thống kê sơ bộ cho thấy, có đến 70% mặt hàng xuất xứ nội địa. Số còn lại là hàng ngoại, phần lớn là rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo và mỹ phẩm... Hàng Việt đang chiếm lĩnh mạnh thị trường...”. Tuy nhiên, qua trao đổi với các tiểu thương chợ biên giới tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, đa số các tiểu thương rất đồng tình với việc xây dựng hình ảnh hàng Việt ở chợ biên giới. Đây là kênh thông tin và tiêu thụ hàng rất mạnh. Khách hàng là người Campuchia và du khách đến tham quan du lịch kết hợp mua sắm.

Chị Ánh Trân, tiểu thương chợ biên giới Tịnh Biên-An Giang, cho biết: “Quầy hàng của tôi có tới 60% là hàng Việt Nam, còn lại là hàng Thái Lan và Trung Quốc. Khách người Việt tới đây xem hàng, nhưng chỉ tìm mua hàng Thái. Trong khi đó, người tiêu dùng Campuchia lại đến chợ tìm mua hàng Việt...”. Điều đó là do tâm lý tiêu dùng của khách hàng nội địa thiếu lòng tin đối với hàng Việt; và do kênh thông tin hàng Việt chưa đến với tất cả người tiêu dùng nội địa ở khu vực nông thôn. “Doanh nghiệp Việt làm sao thuyết phục được người tiêu dùng tìm mua hàng Việt, chợ Tịnh Biên sẽ là nơi tiêu thụ rất mạnh. Một đồn mười, không bao lâu hàng Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường...”, chị Trân cho biết thêm.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) thu hút đông đảo người dân đến mu

Chia sẻ bài viết