01/06/2008 - 15:42

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện các giải pháp mà Quốc hội thông qua

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn. Ảnh: TRÍ DŨNG - TTXVN.

* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cả nước thực hiện tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu để bình ổn thị trường

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Cải cách tiền lương phải tùy thuộc vào tình hình kinh tế đất nước

Chiều 31-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trước Quốc hội để giải thích và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề mà cử tri cả nước đang quan tâm. Thủ tướng trân trọng tiếp thu những ý kiến xác đáng của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội thông qua.

Thủ tướng thông báo một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và chỉ số lạm phát năm 2008. Riêng về một số vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước quan tâm chất vấn, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang tập trung rà soát và sắp xếp lại các dự án đầu tư, tiết kiệm chi thường xuyên từ nguồn ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, giải pháp giảm nhập siêu, điều hành giá cả, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân... Theo đó, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó có việc rà soát, điều chỉnh đầu tư công, đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên từ nguồn ngân sách. Đến nay, đã có 28 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 43 địa phương và 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước báo cáo về số công trình, dự án đình hoãn; ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 995 dự án với tổng số vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 3.983 tỉ đồng, bằng 7,8% tổng số vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước. Sau khi rà soát, tổng mức vốn đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ dự kiến cắt giảm trên 9.000 tỉ đồng, bằng khoảng 25% kế hoạch năm 2008 và cho phép giải ngân khối lượng hoàn thành vượt mức kế hoạch của các dự án có tiến độ thi công nhanh và xem xét bổ sung vốn đối với các dự án có tiến độ vượt kế hoạch, các công trình có hiệu quả và các công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào các biện pháp chủ yếu như: kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ nguồn ngân sách và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện hệ thống thể chế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và chất lượng thẩm định; đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người ra quyết định đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và của xã hội, đồng thời chỉ đạo rõ việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong 8 tháng còn lại của năm 2008 ngoài phần tiết kiệm 10% theo kế hoạch từ đầu năm và đã có nghị quyết riêng về vấn đề này. Kiểm soát chặt chẽ việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và đẩy mạnh việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra... Cùng với việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ làm giảm cầu trong một số lĩnh vực, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung rà soát và bằng các biện pháp thích hợp, cả về thuế, hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng không thiết yếu, những hàng hóa trong nước có thể thay thế được và thực hiện có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, phấn đấu đưa tỷ lệ nhập siêu giảm xuống bằng mức năm 2007 (khoảng 30%) và đảm bảo bình ổn giá cả... Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, trước hết là ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn, xây dựng cơ chế thực thi và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng, không để thất thoát, lãng phí....

* Trước đó sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng mở đầu phiên trả lời chất vấn bằng một báo cáo tóm tắt căn cứ vào các câu hỏi của 18 đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội về các vấn đề: bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tình hình xuất nhập khẩu, nguyên nhân nhập siêu và các giải pháp hạn chế; công tác quản lý thị trường; cung ứng điện mùa khô và sử dụng vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế.v.v..

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời các câu hỏi của các đại biểu Phạm Thị Hòa (An Giang), Phương Thị Thanh (Bắc Cạn), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc)...về trách nhiệm của Bộ trong việc bảo đảm cân đối hoạt động sản xuất công nghiệp và phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Bộ trưởng cũng thừa nhận: Nước ta chưa có nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh (chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng) mặc dù chương trình xây dựng một nhà máy điều chế thuốc tân dược khoảng 100 tấn/năm đã bàn từ hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại thuốc của ta được sản xuất bằng 90% nguyên liệu nhập ngoại; tôi đã bàn với Bộ trưởng Y tế nghiên cứu để triển khai sớm chương trình xây dựng nhà máy điều chế nguyên liệu cho thuốc kháng sinh. Đối với mũ bảo hiểm, mũ xe máy thì Bộ sẽ phối hợp với Bộ khoa học công nghệ kiểm tra xử lý các vi phạm về chất lượng đối với mũ sản xuất trong nước; ngăn chặn hành vi nhập khẩu mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Bộ Tài chính kiểm tra và bán đúng giá mũ, đã xử lý một số trường hợp. Về công nghiệp hỗ trợ của nước ta còn yếu, là một trong những nguyên nhân xuất khẩu chưa đạt giá trị cao, nhập khẩu lớn. Chính phủ sẽ có chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ vì đây là lĩnh vực chưa có lợi nhuận cao. Chưa kể có những trở ngại ngay từ khâu tiếp nhận đầu tư, ví dụ: Đã triển khai chiến lược xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu dệt may để sản xuất 1 tỉ m vải và phụ liệu cho ngành da giày nhưng tỉnh nào cũng từ chối cho Tập đoàn dệt may xây dựng nhà máy nhuộm vì cho rằng bị ô nhiễm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về nền công nghiệp Việt Nam ngày càng thể hiện nền công nghiệp gia công tỷ trọng GTGT ngày càng giảm, Bộ trưởng Công thương cho rằng: Khắc phục tình trạng trên, từng doanh nghiệp phải sắp xếp lại sản xuất, đổi mới công nghệ để tăng giá trị gia tăng; Nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị tiên tiến. Bộ đã đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, áp dụng các công cụ thị trường để khắc phục rủi ro giá cả và rủi ro hối đoái, đối với xuất khẩu như: thành lập quỹ bảo lãnh doanh nghiệp xuất khẩu đã trình Chính phủ xem xét; đề phòng rủi ro giá cả, chúng tôi đã kiến nghị có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Về rủi ro hối đoái, chủ yếu phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ, khi đồng đô-la mất giá ảnh hưởng đến doanh nghiệp là do thói quen thanh toán của doanh nghiệp; đề xuất khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa đồng tiền thế giới trong giao dịch thương mại. Để hạn chế nhập siêu bằng các biện pháp phi thuế quan trong khuôn khổ WTO, chúng ta sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn ngừa hàng nước ngoài tràn vào như hàng cũ gây ô nhiễm môi trường, hàng kém chất lượng.v.v...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời trực tiếp các câu hỏi của khoảng 20/ 36 vị đại biểu chất vấn trực tiếp tại Hội trường với những nội dung sát sườn, thiết thực của đời sống kinh tế đất nước mà nhân dân, Quốc hội quan tâm, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện.

* Trong phần trả lời chất vấn của mình chiều 31-5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã “hồi đáp” hàng chục ý kiến chất vấn về những vấn đề: Quyền trẻ em; giải pháp thực hiện việc quy hoạch và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chế độ đãi ngộ đối với thương bệnh binh, người có công với cách mạng; xóa đói giảm nghèo...

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) nêu vấn đề: Độ chênh lệch lớn về khoảng cách giữa giàu và nghèo ngay một gia tăng, với tư cách là cơ quan thường trực của các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH có những giải pháp đột biến gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này?

Chênh lệch giàu, nghèo là một đề tài lớn, không thể một ngày, một bữa chúng ta có thể đưa ra một kết luận mà phải có căn cứ, phân tích, đánh giá, Bộ trưởng Kim Ngân trả lời. Giải pháp tốt nhất là thực hiện đúng và đầy đủ tất cả những chương trình giảm nghèo, những chính sách mà Nhà nước đã ban hành.

ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) hỏi: Trong bối cảnh lạm phát, đời sống của người làm công ăn lương, nhất là người có thu nhập thấp khó khăn, Bộ trưởng có thấy lộ trình tăng lương của Nhà nước phù hợp với tình hình hiện nay?

Trả lời câu hỏi của ĐB Chu, Bộ trưởng Kim Ngân nêu rõ: Về lộ trình cải cách tiền lương, Chính phủ xác định tùy thuộc vào tình hình kinh tế của đất nước để đưa ra những mức sửa đổi phù hợp, đảm bảo đời sống của người lao động và tình hình thực tế.

T.T - HỒNG QUÂN – QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết