11/07/2018 - 16:27

Chính phủ Anh lung lay 

Tối 9-7, Thủ tướng Anh Theresa May chỉ định ông Jeremy Hunt làm ngoại trưởng mới, thay thế người tiền nhiệm Borish Johnson từ chức nhằm phản đối kế hoạch chuẩn bị cho mối quan hệ thương mại gần gũi với Liên minh châu Âu (EU).

 Từ trái sang: ông Johnson, bà May và ông Hunt. Ảnh: BBC

Trong thư từ chức, ông Johnson trách bà May tung “cờ trắng” khi đàm phán với EU về việc Anh rời khỏi khối, còn gọi là Brexit. Ông cho rằng “giấc mơ Brexit đang chết do bị bóp nghẹt bởi sự tự ti không cần thiết”. Được biết, kế hoạch của Thủ tướng May là muốn duy trì khu vực tự do thương mại Anh và EU, đồng thời cam kết Luân Đôn vẫn giữ nguyên các nguyên tắc trong EU về hàng hóa và nông sản. Còn theo cựu ngoại trưởng, kế hoạch duy trì quan hệ kinh tế thân thiết với EU nghĩa là Anh đang hướng đến “nửa Brexit”, khiến nước này sẽ mang “danh phận thuộc địa” của khối.

Ông Johnson “nối gót” Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis và thứ trưởng Steve Baker ra đi trong bối cảnh sự nhất trí trong chính phủ của Thủ tướng May về quan hệ thương mại với EU hậu Brexit bắt đầu rạn nứt chưa đến 3 ngày sau khi đạt được và 9 tháng trước khi Luân Đôn dự kiến rời khỏi khối. Hai ông Johnson và Davis nghiêng về cuộc ly dị dứt khoát với EU, còn gọi là “Brexit cứng”. Trong khi đó, ông Hunt, từng ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016, nay tán thành “Brexit mềm”. Vị cựu Bộ trưởng Bộ Y tế này đã thay đổi quan điểm kể từ năm ngoái do thất vọng về cách hành xử “kiêu ngạo” của EU trong thương lượng.

Được xem là một trong những bộ trưởng trung thành nhất đối với Thủ tướng May, ông Hunt được kỳ vọng có thể thay đổi cán cân về Brexit trong nội các. Hai năm sau cuộc trưng cầu dân ý, người đứng đầu chính phủ vẫn loay hoay tìm một giải pháp trung dung giữa hai luồng quan điểm trái ngược, trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà và cả nước Anh, về quan hệ giữa Luân Đôn với Brussels.

Nếu quyết định của ông Davis làm bối rối Thủ tướng May, thì việc ông Johnson từ chức làm rung chuyển những nền tảng trong nội các của bà. Johnson là một trong những chính khách nổi tiếng của xứ sở sương mù và là một trong những người ủng hộ Brexit nổi bật nhất. Một số nhà lập pháp hoài nghi châu Âu thậm chí đang mơ về việc thay thế bà May bởi một nhân vật ủng hộ Brexit mạnh mẽ, chẳng hạn như Johnson, khi mà chính ông cũng không giấu giếm tham vọng trở thành nhà lãnh đạo Anh. Ngoài ra, báo Guardian từng cho rằng ông Hunt cũng có thể ấp ủ tham vọng trở thành thủ tướng.

Các đồng minh của bà May hiện lo ngại sẽ có thêm các bộ trưởng khác từ chức bởi nhiều nghị sĩ ủng hộ Brexit giận dữ về cái gọi là “vụ bán rẻ” Brexit. Trong nỗ lực vực dậy nội bộ đảng Bảo thủ hiện chia rẽ sâu sắc, Thủ tướng May đã có cuộc họp với các nhà lập pháp hôm qua, sự kiện được mô tả là diễn ra “rất tốt đẹp”.

Theo quy định của đảng Bảo thủ, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với lãnh đạo có thể được kích hoạt nếu 48 nghị sĩ đảng này cùng ký vào thư kiến nghị, từ đó có thể dẫn đến cuộc bầu chọn lãnh đạo mới. Bà May đã lên tiếng cảnh báo rằng đảng Bảo thủ phải đoàn kết nếu không sẽ đối mặt với viễn cảnh thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn trở thành thủ tướng. 

THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP, Washington Post)

Chia sẻ bài viết