13/03/2016 - 16:07

Chinese Super League và nỗi lo từ “làn sóng” du nhập cầu thủ ngoại

Các CLB Trung Quốc đã không ngần ngại chi ra những khoản tiền khổng lồ để rước về những ngôi sao danh tiếng nước ngoài. Làn sóng này bắt đầu dấy lên nhiều nỗi lo cho bóng đá Trung Quốc vì tài năng trong nước mất đi cơ hội cọ xát ngay trên chính sân chơi của họ.

Giải vô địch quốc gia Trung Quốc - Chinese Super League (CSL) vừa chính thức khởi tranh, nhưng đã có những con số thống kê đáng lo ngại cho các nhà quản lý bóng đá Trung Quốc. Với 300 triệu USD của các CLB đổ vào thị trường chuyển nhượng trước mùa giải, CSL được dự báo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, vòng đấu đầu tiên diễn ra khá nhạt nhẽo với 16 bàn thắng được ghi, mà quan trọng là không có bàn thắng nào của cầu thủ nội địa. Trong khi đó, các cầu thủ Trung Quốc lại gây "chú ý" ở khía cạnh khác khi nhận tất cả 5 thẻ đỏ của vòng 1.

Các bản hợp đồng "khủng" với những ngôi sao ngoại quốc đã làm cho các CLB mạnh hơn, số cổ động viên trong nước tăng lên và CSL gây được sự chú ý ở ngoài nước. Tuy nhiên, nó cũng dấy lên mối lo ngại về "hiệu ứng" của quá nhiều tiền đạo ngoại ở CSL.

Ramires và Alex Teixeira, 2 ngôi sao người Brazil, đều ghi bàn sau khi CLB Jiangsu Suning tiêu tốn hơn 80 triệu USD để mang họ về. Jackson Martinez, ngôi sao người Colombia, cũng ghi bàn cho nhà vô địch châu Á Guangzhou Evergrande sau khi chuyển đến từ CLB Atletico Madrid, với mức phí 50 triệu USD.

 Những ngôi sao ngoại như Ramires (giữa) làm thui chột các cầu thủ nội địa Trung Quốc. Ảnh: FCA

Tờ Guangzhou Daily News đưa ra nhận định, từ góc nhìn phát triển bóng đá Trung Quốc, đó là điều rất tồi tệ. Dejan Damjanovic, tiền đạo người Montenegro từng là chân sút xếp thứ 3 ở CSL 2015, cũng đồng ý với nhận định này. Ở tất cả CLB, cầu thủ ngoại là người ghi bàn và tạo nên sự khác biệt, nên các CLB ồ ạt mua tiền đạo và tiền vệ để giúp họ đạt được mục tiêu. Vấn đề này rõ ràng sẽ tác động đến đội tuyển quốc gia Trung Quốc.

Cũng theo Dejan Damjanovic, các tiền đạo Trung Quốc không ghi được nhiều bàn thắng và chỉ một số ít thi đấu tốt. Điều này cần được cải thiện, phải nâng chất cầu thủ trẻ và cơ sở đào tạo tài năng trẻ nếu Trung Quốc muốn trở thành một trong những liên đoàn bóng đá và đội tuyển quốc gia mạnh nhất châu Á.

Erik Paartalu, tiền vệ người Úc từng chơi cho CLB Tianjin Teda, cũng cho rằng cần sớm giải quyết vấn đề này nếu bóng đá Trung Quốc muốn tiến xa hơn. Các CLB chỉ muốn có cầu thủ ngoại quốc nổi tiếng để thu hút người xem và mang về lợi nhuận cho họ. Nếu cứ tiếp diễn như thế, tuyển quốc gia Trung Quốc sẽ khó đạt được thành công ở đấu trường quốc tế. Các tiền đạo nội cần phải được thi đấu, trong khi Trung Quốc không có nhiều cầu thủ giỏi thi đấu ở nước ngoài.

Việc du nhập tiền đạo ngoại cũng xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không phức tạp như ở Trung Quốc. Ở mùa giải trước, 7 trong số 10 cầu thủ ghi bàn hàng đầu J-League là người Nhật Bản, 5 trong số 10 cầu thủ ghi bàn hàng đầu K-League là người Hàn Quốc, trong khi chỉ có 2 tiền đạo Trung Quốc nằm trong danh sách 15 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất CSL. Các giải đấu của Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ cho phép các CLB ký hợp đồng với tối đa 3 cầu thủ ngoài châu Á, nhưng Trung Quốc cho phép tới 4 cầu thủ.

Bên cạnh đó, các CLB Trung Quốc rất "rủng rỉnh" tiền bạc nên có thể rước về những ngôi sao hàng đầu, dẫn đến sự chênh lệch đẳng cấp rất lớn giữa cầu thủ nội và ngoại binh. Tom Byer, một chuyên gia phát triển tài năng bóng đá trẻ của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhận định điều này làm cho các cầu thủ Trung Quốc ngày càng ít cơ hội được ra sân và phát triển tài năng.

VĂN TÙNG (Theo AP)

Chia sẻ bài viết