12/08/2018 - 18:18

Chiến tranh kinh tế 

Bên cạnh chiến tranh thương mại ngày một leo thang với Trung Quốc, Mỹ còn đang can dự vào chiến tranh kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Có thể nói hậu quả của chiến tranh kinh tế sẽ lớn hơn nhiều, bởi nó không chỉ giới hạn trong vấn đề thuế nhập khẩu hay các rào cản phi thuế quan.

Tổng thống Tayyip Erdogan cuối tuần rồi gọi việc đồng nội tệ lira (ảnh) giảm giá 18% chỉ trong một ngày xuống mức thấp kỷ lục là “những quả tên lửa” của một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tính từ đầu năm đến nay, đồng lira đã mất giá khoảng 40% và vụ “gần như rơi tự do” hôm thứ Sáu xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy cùng là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thường xảy ra tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”. Việc hai bên có những lợi ích khác biệt tại Syria, hay Thổ Nhĩ Kỳ định mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga…khiến thái độ ngờ vực phủ bóng quan hệ song phương. Gần đây là việc Ankara từ chối yêu cầu của Washington phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson đang bị Thổ Nhĩ Kỳ xét xử tội danh liên quan khủng bố, và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiếp tục mua dầu của Iran bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Tổng thống Erdogan khẳng định những kẻ từng thất bại trong âm mưu binh biến hồi năm 2016 giờ đây quay sang tấn công kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thề sẽ đáp trả. Tuy ông không nêu đích danh quốc gia nào nhưng giáo sĩ Fethullah Gullen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ. Trong khi đó, phát ngôn viên của ông Erdogan nói thẳng rằng Mỹ có nguy cơ mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia giữ vai trò then chốt trong lá chắn tên lửa của NATO nhằm răn đe Iran.

Thế nên cũng dễ hiễu khi Tehran không đứng ngoài cuộc đôi co giữa Washington và Ankara. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif  hôm 11-8 nói rằng Mỹ “nghiện cấm vận” và việc nước này gây phương hại kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong NATO, là “đáng xấu hổ”. Ông Zarif  đồng thời cam kết Iran đã và sẽ sát cánh cùng láng giềng.

Thật ra, kinh tế Iran cũng đang hết sức khó khăn xuất phát từ việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran. Đồng rial đã mất gần nửa giá trị kể từ tháng 4 do người dân đổ xô nắm giữ USD để bảo toàn các khoản tiết kiệm, trong khi Mỹ vừa cấm Iran mua đồng bạc xanh. Cuối tuần rồi, Iraq đã bắt đầu ngừng sử dụng USD trong các giao dịch tài chính với Iran.

Giá cả hàng hóa tăng cao cũng đã dẫn tới một số cuộc biểu tình chống chính phủ. Tỷ lệ lạm phát chính thức ở Iran hiện nay là 10% nhưng theo tính toán của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), con số thực tế có thể lên tới hơn 150%.

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei hôm 11-8 đã yêu cầu có các hành động pháp lý “nhanh chóng và công bằng” để giải quyết tình trạng mà như lời Chánh án Tòa án Tối cao là “chiến tranh kinh tế”. Theo đó, Iran sẽ thành lập các tòa án đặc biệt để nhanh chóng xét xử các tội phạm tài chính. Trước mắt, hơn 40 người,  trong đó có một cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương, đã bị bắt giữ với những tội danh có thể phải chịu hình phạt tử hình.

Xem ra dưới thời Tổng thống xuất thân từ doanh nhân Donald Trump, chiến lược “gây sức ép kinh tế tối đa” đang được Mỹ sử dụng triệt để.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết