29/09/2018 - 09:40

Chiến thắng thể thao, biểu tượng chính trị

Tại cuộc bỏ phiếu của Liên đoàn Bóng đá châu Âu hôm 27-9, Đức đã đánh bại đối thủ duy nhất là Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành nước chủ nhà Giải vô địch bóng đá Euro 2024. Sự kiện trên diễn ra ngay lúc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Berlin bắt đầu chuyến thăm Đức 3 ngày. Vì thế, hãng tin AFP cho rằng chiến thắng đó có ý nghĩa chính trị khi mà Tổng thống Erdogan từng cáo buộc nước Đức phân biệt chủng tộc trong bóng đá (vụ Mesut Ozil tuyên bố rời Đội tuyển quốc gia Đức hồi tháng 7 vì “nạn phân biệt chủng tộc và thiếu tôn trọng” do anh có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ).

Đặc biệt hơn, chiến thắng trên khiến người ta liên tưởng đến sự xuống thang căng thẳng của Tổng thống Erdogan với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong bài xã luận đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung trước khi tới Đức, ông Erdogan bày tỏ mong muốn “gạt bỏ những khác biệt chính kiến và tập trung vào lợi ích chung”. “Chúng ta đang theo đuổi mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế. Vì mục đích thịnh vượng và tương lai của hai nước chúng ta, hãy để chúng ta thúc đẩy lợi ích chung và giảm bớt đi những vấn đề” - ông Erdogan viết. Hồi đầu tuần, Tổng thống Erdogan cũng thay đổi giọng điệu chống Đức: “Chúng tôi sẽ bỏ lại tất cả vấn đề và tạo ra môi trường nồng ấm như từng có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức”.

Giới phân tích nhận định sự đổi giọng của ông Erdogan xuất phát từ nhu cầu tài chính giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế-tiền tệ tồi tệ nhất trong vòng 15 năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến công du Mỹ dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới đây, ông Erdogan cũng đã có bước nhượng bộ trước Tổng thống Donald Trump về vụ một mục sư người Mỹ đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ với cáo buộc hỗ trợ khủng bố.

Chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Erdogan, chính quyền Berlin thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là một đối tác quan trọng của cả Đức lẫn châu Âu. Tuy nhiên, trước làn sóng biểu tình của những người chống đối chính sách bị cho là độc đoán của ông Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Merkel tỏ ra thận trọng với cơ hội bình thường hóa quan hệ hai nước, đồng thời tuyên bố sẽ nêu vấn đề nhân quyền nhạy cảm trước ông Erdogan. Bà Merkel loại bỏ khả năng Đức sẽ viện trợ trực tiếp, thay vào đó chỉ hợp tác về mặt kinh tế. Trong đó, tập đoàn Siemens của Đức có thể hợp tác giúp hiện đại hóa hệ thống đường sắt lên đến 40 tỉ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Đức chắc hẳn chưa quên cáo buộc cách đây 18 tháng của Tổng thống Erdogan rằng Berlin hành xử kiểu phát-xít với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đất nước này vẫn giữ vị trí ưu tiên chiến lược cho Đức  và châu Âu. Cộng đồng người Thổ tại Đức có 3 triệu người và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nhập cư của Đức và châu Âu.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết