04/04/2011 - 21:22

BỜ BIỂN NGÀ

Chiến sự ngày càng nóng

Người dân Abidjan di tản qua sự giám sát của binh sĩ trung thành với ông Gbagbo.
Ảnh: Reuters

Cuộc chiến giằng co tại Abidjan, trung tâm thương mại của Bờ Biển Ngà, bước sang ngày thứ năm vào hôm qua 4-4, khiến người dân thành phố không dám ra đường và nguồn cung lương thực cho thành phố 4 triệu dân này bắt đầu thiếu hụt. Trong khi đó, lực lượng trung thành của hai nhân vật cùng tuyên bố là tổng thống đang chuẩn bị cho trận chiến khốc liệt cuối cùng.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tấn công hôm 31-3, các lực lượng trung thành với Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara đã chiếm giữ phần lớn thành phố Abidjan. Tuy nhiên, sau 5 ngày bao vây dinh thự của Tổng thống mãn nhiệm nhưng không từ bỏ quyền lực Laurent Gbagbo, lực lượng của ông Ouattara vẫn chưa thể tạo được ưu thế rõ ràng. Giao tranh tiếp tục diễn ra xung quanh dinh tổng thống, đài truyền hình nhà nước RTI và một căn cứ quân sự, trong khi chưa thể xác định được ông Gbagbo đang ở đâu.

Theo các hãng tin nước ngoài, hàng ngàn binh sĩ ủng hộ ông Ouattara đã tập trung tại phía Bắc thành phố Abidjan hôm 3-4, chuẩn bị cho cuộc công kích cuối cùng vào khu vực cố thủ của ông Gbagbo. Trong khi đó, người dân tại quận Cocody lân cận, cho biết khoảng 700 người ủng hộ ông Gbagbo đã tập hợp trước cổng tư dinh của ông, sau khi đài truyền hình quốc gia (hiện vẫn do lực lượng của ông Gbagbo kiểm soát) kêu gọi dân chúng lập “lá chắn sống” để bảo vệ ông Gbagbo.

Phát biểu trước báo giới tại Paris (Pháp) hôm qua, Toussaint Alain, đại diện của ông Gbagbo tại châu Âu, nói rằng ông Gbagbo quyết không từ bỏ quyền lực, và “đang làm việc như thường lệ tại dinh tổng thống, cùng với các nhóm công tác đã được bố trí nhằm đối phó với cuộc tấn công từ bên ngoài”. Ông Alain cho rằng không thể phụ thuộc vào Mỹ hoặc Pháp để quyết định ai là người lãnh đạo của Bờ Biển Ngà.

Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi ông Gbagbo từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Bà Clinton bày tỏ sự lo ngại về cuộc thảm sát ở thị trấn Duekoue, phía Tây Bờ Biển Ngà, nơi các nhân viên điều tra Liên Hiệp Quốc cho rằng ít nhất 430 người chết hồi tuần rồi, sau khi lực lượng thân ông Ouattara tiến vào đây. Hiện chưa rõ bên nào gây ra vụ thảm sát này, vì cả hai bên đều phủ nhận trách nhiệm liên quan. Mỹ kêu gọi LHQ tiến hành cuộc điều tra về vụ này.

Tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp kéo dài 2 giờ để tìm cách giải quyết khủng hoảng. Theo chỉ huy lực lượng Pháp Frederic Daguillon, nước này hiện có khoảng 1.400 quân tại Bờ Biển Ngà.

LHQ đã sơ tán 200 nhân viên khỏi Abidjan, sau khi 11 lính gìn giữ hòa bình bị thương trong 2 ngày cuối tuần qua, do lực lượng của ông Gbagbo bắn súng phóng lựu vào xe bọc thép của LHQ. Văn phòng của trưởng phái bộ LHQ tại Bờ Biển Ngà cũng trở thành mục tiêu bị tấn công.

Trong khi đó, các binh sĩ Pháp và nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ nỗ lực giữ trật tự tại thành phố Abidjan, sau khi nhiều cửa hàng bị cướp phá vài ngày qua và dân quân của cả hai bên xung đột hiện diện trên đường phố. Hôm 3-4, một số cửa hàng đã mở cửa trở lại trong vài giờ, nhưng người dân không thể mua trái cây, rau cải hoặc thịt. Các cửa hàng nhỏ đã hết sạch nhiều loại thực phẩm thiết yếu như trứng và cá đóng hộp. Điện và nước bị cúp liên tục khắp thành phố. Người dân đã dự trữ muối, dầu và sữa bột để phòng trường hợp chiến sự kéo dài. Tuy nhiên, một số người cho rằng không biết có thể kéo dài được bao lâu vì lương thực đang cạn dần nếu các cửa hàng không sớm mở cửa trở lại. Giá một số mặt hàng thực phẩm cũng tăng vọt, chẳng hạn bánh mì tăng hơn 60%.

N.MINH
(Theo Guardian, AP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết