01/03/2014 - 20:43

Chiến lược du nhập cầu thủ Đông Nam Á của Nhật Bản

Irfan Bachdim - cầu thủ Đông Nam Á thứ 2 góp mặt ở J.League. Ảnh: Goal.com

Sau Lê Công Vinh của Việt Nam đến lượt tiền đạo Irfan Bachdim của Indonesia sẽ có cơ hội sang chơi bóng ở nền bóng đá hàng đầu châu Á. Ban tổ chức J.League đang có kế hoạch mở cửa tuyển chọn các cầu thủ giàu triển vọng ở các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó, còn có một câu chuyện khác khá hấp dẫn về kinh tế…

Tuyển thủ quốc gia 25 tuổi của Indonesia, Irfan Bachdim, vừa ký hợp đồng với CLB Ventforet Kofu, đang thi đấu tại J.League 1 - giải đấu cao nhất của Nhật Bản. Anh sẽ là cầu thủ Đông Nam Á thứ 2 góp mặt ở J.League khi mùa bóng mới khởi tranh từ ngày 1-3. Tuy nhiên, giới truyền thông Nhật Bản cũng tiết lộ, kèm theo bản hợp đồng đưa Irfan Bachdim đến với Ventforet Kofu, CLB này cũng ký được một thỏa thuận tài trợ với hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia. Loại hợp đồng tài trợ kiểu này sẽ là "của trời cho" đối với các câu lạc bộ đang gặp khó khăn về tài chính.

Vụ việc này cũng được xem như là một cú gỡ gạt cho J.League khi trong quá trình phát triển hơn 20 năm qua, bóng đá xứ sở Mặt trời mọc đã chứng kiến rất nhiều "hảo thủ" lên đường đến các đội bóng lớn ở châu Âu, giúp cho các CLB đó có được những bản hợp đồng tài trợ "béo bở" với nhiều công ty lớn của Nhật.

Tiền đạo nổi tiếng một thời Kazuyoshi Miura của CLB Verdy Kawasaki, nay là Tokyo Verdy, đã từng ký hợp đồng với CLB Genoa CFC ở giải bóng đá nhà nghề hàng đầu của Ý Serie A hồi năm 1994. Giới truyền thông địa phương khi đó đã từng nhận định bản hợp đồng này là vì mục đích kinh tế. Quả thật như vậy, một công ty của Nhật đã trở thành nhà tài trợ áo đấu cho Genoa suốt mùa giải đó.

Khi ngôi sao Hidetoshi Nakata chuyển đến CLB Perugia ở Serie A sau World Cup 1998 ở Pháp, giới truyền thông Ý cũng không quên bình luận vụ việc này có hơi hướng kinh tế. Sau đó, các du khách Nhật đã bắt đầu ồ ạt đến thăm sân vận động của Perugia và áo đấu của Nakata cũng trở thành món hàng "hot" tại cửa hàng của CLB Perugia.

Mới đây nhất là vụ chuyển nhượng ngôi sao Shinji Kagawa đến CLB Manchester United và tiền đạo Keisuke Honda sang CLB AC Milan, cũng không tránh khỏi những "tiếng đồn" tương tự. Vụ chuyển nhượng Miura và Nakata mang đến thành công rất lớn cho Serie A, khi giải đấu của Ý bỗng được xem là giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu khi đó, dưới cặp mắt của cổ động viên Nhật.

Rồi Serie A "rớt hạng" sau các giải đấu Premier League của Anh, La Liga của Tây Ban Nha và Bundesliga của Đức, với số người xem giảm nhanh. Chính sự xuất hiện của Keisuke Honda ở AC Milan đang làm cho nhiều cổ động viên Nhật "yêu mến" trở lại đối với Serie A.

Vụ chuyển nhượng Irfan Bachdim hy vọng sẽ tạo ra một ảnh hưởng tương tự ở Indonesia. Việc một tỉ phú Thái Lan hay Indonesia có thể mua lại một CLB châu Âu là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, các cổ động viên Đông Nam Á luôn dành sự mến mộ "bất di bất dịch" đối với bóng đá châu Âu. Thế nhưng, rất hiếm cầu thủ Đông Nam Á có thể "một bước" tới các giải đấu lớn ở châu Âu. Chính vì vậy, J.League đang là một điểm đến lý tưởng khi rất nhiều cầu thủ Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đã ra châu Âu, sau một thời gian chơi bóng chuyên nghiệp ở Nhật.

Khi Kazuyoshi Miura tới Serie A, rất ít người có thể tưởng tượng được rằng một cầu thủ Nhật lại có ngày được mang chiếc áo số 10 của Milan. Tương tự như vậy, một cầu thủ Việt Nam hay Thái Lan sẽ hoàn toàn có thể mặc chiếc áo số 10 của các CLB Urawa Reds, Yokohama F-Marinos và Gamba Osaka, để rồi sau đó họ sẽ lên đường sang các CLB lớn ở châu Âu. Không ai dám nói điều này là không thể xảy ra.

Văn Tùng
(Theo Nikkei Asian Review)

Chia sẻ bài viết