05/10/2017 - 10:52

Chia rẽ trong lòng nước Đức

Tuy đã 27 năm trôi qua kể từ ngày Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng thực tế cho thấy chỉ khoảng một nửa người dân Đức nghĩ rằng quốc gia của họ đã hoàn toàn thống nhất.

Bức tường Berlin được dựng lên vào năm 1961 để chia cắt Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Sự kiện lịch sử năm 1989 dỡ bỏ Bức tường Berlin mở đường cho nước Đức thống nhất sau 40 năm chia cắt đã trở thành một biểu tượng của kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tường gạch, thép gai đã biến mất. Nhưng trải qua hơn ¼ thế kỷ, tiếng reo mừng về tương lai thống nhất xem ra không còn nhiệt liệt. Sự lạc quan này thậm chí đang dần bị thay thế bằng những hoài nghi về một nước Đức vẫn đang cách trở, ít nhất trong tâm trí của người dân.

 Theo các khảo sát gần đây, chỉ 50% người Đức đồng ý rằng hai miền mước Đức hầu như đã tái hòa hợp. Đáng nói là tỷ lệ này giữ nguyên so với cách đây 7 năm. Trong khi đó, chủ nghĩa hoài nghi đang có xu hướng lan rộng tại các bang trước đây thuộc Đông Đức khi khác biệt ngày càng thể hiện rõ qua mức độ chênh lệch về kinh tế, chính trị và đời sống văn hóa kể từ năm 1990. Hiện tại, sau hơn 20 năm phát triển, năng suất kinh tế vùng phía Đông  vẫn thấp hơn 30% so với phía Tây. Tỷ lệ thất nghiệp tại các bang phía Đông cũng cao hơn hẳn (9,4% so với 5,5%) do các công ty lớn  tập trung ở phía Tây.

Đỉnh điểm rạn nứt giữa 6 bang phía Đông và 10 bang phía Tây nước Đức gần đây được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng rồi. Trong đó, tỷ lệ cử tri phía Đông Đức bỏ phiếu cho AfD được cho cao gấp 2 lần so với ở phía Tây. Một phần nào đó, theo các nhà bình luận, đây là kết quả sau những chia rẽ trong lòng nước Đức liên quan chính sách nhập cư của Thủ tướng Angela Merkel. Nếu kết quả bầu cử năm 2005 đưa nữ ứng viên sinh trưởng ở Đông Đức trở thành Thủ tướng và được ví như cột mốc quan trọng cho lý tưởng tái hòa hợp dân tộc, thì chính sách nhập cư giai đoạn 2015-2016 biến bà Merkel trở thành biểu tượng của sự phân cực trong cuộc bầu cử vừa qua.

Nói như Thủ hiến bang miền Tây Rhineland-Palatinate, Malu Dreyer thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), quốc gia này đã đánh giá thấp mức độ áp lực chuyển đổi đối với người Đông Đức cũng như những nỗ lực để biến cụm từ “thống nhất” trở thành hiện thực. Còn Tổng thống Frank-Walter Steinmeier thì cho rằng cuộc bầu cử vừa qua với việc phe cực hữu có chân trong Quốc hội cho thấy những rạn nứt trong lòng xã hội Đức và đang có những bức tường mới mọc lên, dù không có dây thép gai, nhưng lại cản trở một nước Đức thống nhất theo đúng nghĩa.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết