10/02/2018 - 15:11

Chi Tết tiết kiệm 

Tết luôn là thời điểm tiêu tốn tiền bạc nhiều nhất của hầu hết gia đình. Việc đảm bảo chi tiêu hợp lý, tiết kiệm là vấn đề trăn trở, đòi hỏi chị em phải biết sắp xếp chu đáo.

Cẩn thận “hầu bao”…

Cân nhắc, chi tiêu hợp lý sẽ giúp chị em tiết kiệm được những khoản chi không cần thiết. 

Nhiều người quan niệm sau một năm vất vả, dành dụm, Tết là khoảng thời gian “vàng” để mua sắm. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ lưỡng, rất dễ “rinh” về những món hàng đắt tiền nhưng hiệu quả sử dụng không cao, thậm chí lãng phí. Trường hợp anh T. (quận Bình Thủy) là một ví dụ. Vốn “mê” các thiết bị công nghệ hiện đại, dịp cuối năm, anh T. hay tìm hiểu thông tin và dành nhiều thời gian tham quan các siêu thị điện máy, cửa hàng điện tử… Mỗi lần, anh T. đều mua vài món. Tết năm trước, anh T. dành trọn tiền thưởng Tết, mua tặng vợ máy hút bụi và máy xay sinh tố. Đinh ninh vợ sẽ rất vui và cảm động, thế nhưng món quà bất ngờ này lại là nguyên nhân khiến hai vợ chồng cự cãi, ngày Tết mất vui… Chị Kim, vợ anh T., chia sẻ: “Lẽ ra, anh ấy phải bàn bạc với tôi trước khi mua, đằng này tự ý quyết định. Với số tiền đó, tôi có thể mua sắm nhiều vật dụng hữu ích hơn. Từ ngày mua máy hút bụi, tôi chỉ dùng đúng một lần, vì thấy rườm rà, phiền phức nên đem cất trong tủ. Riêng máy xay sinh tố do lâu ngày không dùng nên bị hỏng…”. Cũng theo chị Kim, thời điểm cuối năm, hầu hết cửa hàng đều đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn, nếu không tính toán, cân nhắc, rất dễ “vung tay quá trán”. Chị Kim tâm sự: “Ngày cuối năm, gia đình nào cũng muốn mua sắm, thay mới đồ gia dụng với hy vọng một năm đủ đầy, sung túc. Có những món đồ chưa cần thiết nhưng vì ham “của rẻ” nên không ngại chi tiền mua sắm”.

 Chia sẻ việc chi tiêu ngày Tết hiệu quả, tiết kiệm, nhiều chị em cho rằng, cần quyết tâm kiềm chế sở thích mua sắm cũng như dễ bị hoa mắt với hàng khuyến mãi, trưng bày bắt mắt. Nhiều người có tư tưởng “Tết mà…” nên thường “chi mạnh” mua sắm quần áo, vật trang trí, bánh mứt, lương thực, thực phẩm… Chị Ngọc Nga (quận Bình Thủy) bộc bạch: “Ngày nay, các chợ, siêu thị không nghỉ nhiều ngày, nghĩa là ngày Tết vẫn có thể mua sắm nhưng tôi có tâm lý phải mua hàng dự trữ mới yên tâm, nhất là mặt hàng bánh mứt, thực phẩm. Mua nhiều quá, ăn không hết nên đôi khi cũng bỏ phí…”.

 Tính toán chi tiêu hợp lý

 Nhiều chị em cho rằng, những ngày cận Tết là khoảng thời gian tuy bận rộn nhưng rất vui. Chị Lê Thu Khanh (quận Bình Thủy) nói: “Cứ tầm 26, 27 Tết, tôi cũng tranh thủ lượn một, hai vòng ra chợ. Tôi nghĩ, chỉ đi để ngắm cảnh phố phường đông vui, huyên náo nhưng hầu như lần nào cũng mua không ít đồ đạc”. Theo chị Khanh, để việc sắm Tết hiệu quả, tiết kiệm, cùng với tính toán, chi tiêu hợp lý, chị em nên tận dụng, sửa sang vật dụng có sẵn, hạn chế tối đa chi phí phát sinh. Chị Khanh bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng nửa tháng, tôi phân công việc cụ thể cho các thành viên, giảm đáng kể chi phí thuê người. Ông xã tôi có biệt tài tái chế những món đồ cũ, hư hỏng thành những vật dụng tiện ích, góp phần tiết kiệm khoản chi tiêu nho nhỏ cho gia đình”.

Theo kinh nghiệm chị em, điều quan trọng để mua sắm Tết tiết kiệm là cần kế hoạch chi tiêu cụ thể, tránh tùy hứng. Chị Nguyễn Thu Lan (quận Ninh Kiều) kể: “Năm nào, tôi cũng lạm tiền chi mua sắm quần áo Tết cho con. Năm ngoái, cũng vì ham giá rẻ, tôi mua rất nhiều quần áo khuyến mãi nhưng mang về lại mặc không vừa, đổi trả không được nên cứ cất trong tủ…”. Các chị em có kinh nghiệm chia sẻ một số  “bí quyết” để chi Tết tiết kiệm. Đó là, nên tính toán, chia số tiền chi Tết thành những khoản riêng để dễ dàng quản lý; lên kế hoạch cụ thể những vật dụng cần mua. Đối với chị em khéo tay, có thể chọn cách tự làm một số loại bánh mứt, thực phẩm: thịt kho, dưa hành, củ kiệu… vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm đáng kể. Đối với những mặt hàng cần thiết, có thể chọn thời điểm đặt hàng hoặc mua sớm để tránh giá cả tăng vọt. Riêng những loại thực phẩm tươi sống, mua đủ dùng, tránh quá nhiều, vừa khó bảo quản, vừa dùng không hết sẽ bỏ phí. Trước khi mua, cần tính toán, cân nhắc công năng thật sự của món hàng, hoặc “tân trang”, sửa chữa vật dụng trong nhà để tiết kiệm những khoản chi không quá cần thiết.l

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết