16/02/2017 - 20:43

Chèo thuyền xuyên hang động Tràng An

Trên làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy, con thuyền chèo nhè nhẹ lướt thật êm. Chỉ thoáng chốc, thuyền xuyên qua hang động đầu tiên, như thể bước vào cánh cửa của một thế giới khác. Chỉ duy nhất đường thủy. Bốn bề núi dựng đứng như một ma trận. Du khách lặng người trước vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên Tràng An (cố đô Hoa Lư - Ninh Bình ngày nay).

Từ bến thuyền, xuôi theo dòng Sào Khê nhẹ tênh như thể dòng sông không chảy. Dưới làn nước trong vắt ấy là rong tảo tươi tốt rung rinh như chào đón. Nhiều đoạn, có thể nhìn thấy cả đá và sỏi dưới đáy sông. Hôm ấy trời không nắng nên màu của nước cũng bớt xanh. Nhưng mọi người vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của làn nước như được lọc trước khi đổ ra sông. Cô chèo thuyền bảo: "Mùa này, mây xuống thấp, lãng đãng trên đỉnh núi đẹp lắm. Cảnh đẹp hiếm có". Mãi lo nhìn dòng nước, nghe cô nói mọi người mới ngước mắt lên. Thuyền đã rời bến vài trăm mét, con đường đã khuất sau hàng cây và không còn nghe tiếng động cơ xe cộ nữa. Chỉ có tiếng khua nước của mái chèo và làn nước vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền. Yên bình. Núi giăng ngang, giăng dọc như chắn hết mọi ngã của dòng sông. Mây nhè nhẹ giăng trên đỉnh núi này, kéo qua lưng chừng núi kia như nhuốm thêm màu huyễn hoặc cho khung cảnh đẹp vượt ngưỡng đời thực.

Tràng An đẹp "hút hồn" du khách mà không cần đến công trình ngàn tỉ hay tiện nghi hiện đại.

"Đoàn chúng ta sẽ ghé Đền Trình, nơi thờ hai vị công thần giữ kho vàng và két bạc của nhà vua. Vào trong chiêm bái như một lời trình rằng mình đã đến đây…", người chèo thuyền cũng là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Cô chèo khoan thai chở 4 người trên thuyền mà vẫn có vẻ nhẹ nhàng. Trước khi thuyền vào hang, cô thuyết minh đầy đủ thông tin về tên gọi, chiều dài và cả sự tích hang để du khách biết. Cư dân cố đô Hoa Lư xưa dường như thừa hưởng được thần thái, khí chất của vua chúa nên dù cho lao động chân tay họ vẫn ăn nói rất nhẹ nhàng, từ tốn đầy quý phái.

Đất Tràng An của cố đô Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) như chốn non tiên. Không có đền đài điện ngọc nhưng thiên nhiên nơi này khó chỗ nào có được. Hệ thống núi đá vôi trùng điệp chia dòng nước thành 31 đầm và được thông với nhau bởi 48 hang động. Dưới nước là thủy sinh tươi tốt như một bể cá khổng lồ. Thỉnh thoảng có những đàn chim, đàn cò, vịt nước tìm kiếm thức ăn trên đầm. Bên trên, cây cối mọc xanh rì từ mặt nước kéo dài lên tới đỉnh núi. Bởi thế, hệ sinh thái Tràng An được đánh giá vô cùng phong phú. Người ta thống kê vùng này có đến 300 loài thực vật, 300 loài thú và 50 loài chim đang tận hưởng không gian sống xinh đẹp này. Đặc biệt có loài phượng hoàng đất cực kỳ quý hiếm đang trú ngụ tại đây.

Mỗi hang động là một vẻ đẹp, một câu chuyện khác nhau đầy hấp dẫn.

Hệ thống núi đá vôi được hình thành từ hàng triệu năm trước tạo thành một thế trận ngoạn mục. Khi đương triều, các vua Đinh, vua Lê kéo quân về đây thì kẻ thù tan tác, mất phương hướng. Bên dưới các dãy núi là hệ thống những hang động ngập nước, mỗi hang dài 350-400 mét. Nhiều hang có nhiều ngõ ngách ngay trong lòng hang. Có những hang trần cao vút nhưng cũng có khi trần rất thấp, người ta phải cúi người xuống để vượt qua. Đặc biệt, hang nấu rượu có một giếng nước trong. Tương truyền lúc đương triều, đây là nơi nấu rượu dâng vua và đãi tiệc khao quân sau những trận thắng vẻ vang.

Cái hay của du lịch Tràng An là chỉ sử dụng thuyền chèo đi suốt 12 hang động theo lộ trình khai thác, dài khoảng 5km, để giữ được không gian yên ắng, thanh bình. Hơn thế nữa là bảo vệ được sự đa dạng sinh học, hệ sinh thái không bị tác động bởi tiếng ồn và ô nhiễm từ động cơ. Cứ thế, du khách như đang trôi ngược thời gian, trở về với một thời hào hùng của thiếu niên dựng cờ lau tập trận. Xuyên qua bao hang động, du khách khó nhớ nổi bởi qua một hang động là tới không gian sinh cảnh khác, vô cùng đẹp đẽ và bắt đầu một câu chuyện khác trở về quá khứ từ cô chèo thuyền. Mỗi hang động là một kiểu thạch nhũ lạ lùng, còn nguyên vẹn. Nhưng có lẽ mọi người sẽ nhớ nhất là hang Khống và Phủ Khống, nơi thờ 7 vị công thần đã tuẫn tiết sau khi an táng nhà vua băng hà để giữ bí mật cho tới ngày nay. Trước đền có một cây thị ngàn năm tuổi, trái sai và thơm ngát, được cho là trồng để ghi nhớ 7 vị công thần. Ngày nay, người ta vẫn hái thị từ cây này để dâng cúng tại đền.

Bởi bề dày lịch sử, sự nổi bật về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đồng thời cũng là di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á. Đi giữa Tràng An mọi lo toan dường như biến mất, thay vào đó là những cái hít hà khoan khoái. Ai nấy cũng hít sâu cho đầy như thể muốn giữ được làn không khí mát lành trong lòng. Mới thấy, chẳng phải đầu tư công trình ngàn tỉ, cũng chẳng cần tiện nghi hiện đại cao sang gì, chỉ với một mái thuyền chèo cũng kéo được hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến với Tràng An. Để rồi ai cũng phải xuýt xoa không ngớt lời khen.

Bài, ảnh: THỤY DU

Chia sẻ bài viết