06/08/2009 - 08:27

Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức
Kỳ 6: Thung lũng Silicon của Trung Quốc

Một góc Trung Quan Thôn.
Ảnh: China Business Daily

Công viên Khoa học Trung Quan Thôn (Zhongguancun Science Park - ZCP) là trung tâm phát triển khoa học - công nghệ đầu tiên và qui mô nhất Trung Quốc. Tọa lạc tại Thủ đô Bắc Kinh, ZCP gồm 7 khu nghiên cứu tập trung các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, truyền thông, y sinh học, vật liệu mới, bảo vệ môi trường và năng lượng mới. Đó là lý do Trung Quan Thôn được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc.

Sau hơn 20 năm thành lập, Công viên Trung Quan Thôn đã có những thành công vượt bậc, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế chủ lực của Bắc Kinh, đóng góp 60% tổng giá trị tăng trưởng công nghiệp hằng năm của thành phố. Số doanh nghiệp đóng đô tại “Thung lũng Silicon” này hiện lên tới 20.000, trong đó có 112 doanh nghiệp nội địa đã niêm yết chứng khoán ở nước ngoài. Trung Quan Thôn là tổng hành dinh của hàng nghìn công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Legend, Stone, Founder..., và qui tụ trên 1.500 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thuộc các tập đoàn danh tiếng như IBM, Microsoft, Mitsubishi.

Doanh thu hằng năm của ZCP tăng từ 1,4 tỉ NDT ban đầu lên hơn 1.000 tỉ NDT hiện nay, với tỷ lệ tăng trưởng thường niên hơn 40%. Không chỉ vậy, mức đóng góp ngân sách của Trung Quan Thôn cũng tăng chóng mặt, từ 50 triệu NDT lên 50 tỉ NDT. Nhờ khả năng cải tiến độc lập của ZCP, hàng loạt công nghệ mới, tiêu chuẩn mới và sản phẩm mới đã ra đời và được chứng nhận đăng ký độc quyền, với 90% sản phẩm tạo ra đạt chuẩn thế giới.

Trưởng Ban quản lý ZCP Dai Wei cho biết chính phủ Trung Quốc khuyến khích ZCP đẩy mạnh cải tiến các ngành công nghệ cao nước nhà, bằng cách tài trợ cho các doanh nghiệp khoa học-công nghệ vừa và nhỏ, cũng như trao quyền lựa chọn cho các nhà nghiên cứu. Theo ông, cách làm này sẽ đánh thức tiềm năng của lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, góp phần đẩy lùi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng như phục vụ cho sự phát triển lâu dài của Trung Quốc. Không chỉ vậy, nó còn thúc đẩy tư duy đổi mới tại các trường đại học và viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghiệp, đồng thời khuyến khích các công ty phát triển những mô hình thương mại tiên tiến.

Liu Chuanzhi, Chủ tịch tập đoàn Legend, cho biết ZCP có khả năng cải tiến mạnh mẽ và những thành tựu nghiên cứu của nó đều đạt trình độ cao. Tuy nhiên, ZCP đang đối mặt với vấn đề quản lý cứng nhắc và thiếu các nhà quản lý tài giỏi để chuyển giao khoa học và công nghệ. Trong khi đó, Yang Yuanqing, Giám đốc điều hành tập đoàn Lenovo, một trong những doanh nghiệp thường trú tại ZCP, cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc ở Trung Quan Thôn cần “vươn ra toàn cầu”, bằng cách tận dụng những lợi thế tại chỗ, phát triển công nghệ và sản phẩm được chứng nhận đăng ký độc quyền, kiên trì trong cải tiến độc lập, và xây dựng đường lối cạnh tranh riêng để “bành trướng” khắp năm châu. Còn theo Feng Jun, Giám đốc điều hành công ty Công nghệ Thông tin và Kỹ thuật số Huaqi Bắc Kinh, bây giờ là thời điểm tốt nhất để các công ty ở ZCP thâm nhập thị trường quốc tế, bởi suy giảm kinh tế toàn cầu khiến giá trang thiết bị và nhân công giảm theo, đồng thời làm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người nước ngoài.

THANH TRÚC
(Theo Agrifoodasia, Business Alert)

(Kỳ tới: Kinh đô khoa học Tsukuba ở Nhật)

Chia sẻ bài viết