22/10/2013 - 08:14

Chạy đua không gian ở châu Á

Tàu vũ trụ Mangalyaan được xây dựng tại một cơ sở ở Banglalore, Ấn Độ. Ảnh: ISRO

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang hoàn tất các bước chuẩn bị cuối cùng để phóng tàu thăm dò Mangalyaan lên quỹ đạo Sao Hỏa. Sứ mệnh này ngoài là niềm tự hào của New Delhi còn có khả năng tác động đến cuộc chạy đua không gian vốn đang bùng nổ ở châu Á.

Theo dự kiến, tàu Mangalyaan sẽ rời bệ phóng vào ngày 28-10 tới nhưng do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi nên lịch trình buộc phải dời lại thêm một tuần. Được biết, ngoài nhiệm vụ chính là kiểm tra sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ không gian, Mangalyaan còn có sứ mệnh thu thập thông tin khoa học về khí quyển và bề mặt của hành tinh đỏ. Nhiệm vụ này từng được Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh xem là "niềm tự hào dân tộc" trong bài phát biểu nhân dịp mừng Quốc khánh Ấn Độ tháng 8 năm ngoái. Và nếu thành công, ISRO sẽ trở thành cơ quan nghiên cứu không gian thứ tư – sau Mỹ, châu Âu và Nga, phóng thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa.

Theo Pallava Bagla, biên tập viên mảng khoa học của kênh truyền hình New Delhi, đồng thời là tác giả quyển sách viết về những nỗ lực không gian của Ấn Độ thì người dân tỏ ra đặc biệt vui mừng về khả năng nước này có thể đánh bại Trung Quốc trong sứ mệnh nghiên cứu sao Hỏa. Trước đó vào năm 2011, Bắc Kinh từng nỗ lực phóng tàu vũ trụ mang tên Huỳnh Hỏa 1 lên sao Hỏa nhưng cuối cùng phải hủy bỏ do vấn đề kỹ thuật trong khi tàu Mangalyaan của New Delhi đã sẵn sàng cho nhiệm vụ tương tự chỉ sau 15 tháng chuẩn bị.

Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận sức mạnh của nước khác, đặc biệt là Trung Quốc trong lĩnh vực không gian cho đến nay. Hiện tại, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) sở hữu một chương trình vũ trụ rất tiên tiến cùng trạm không gian trên quỹ đạo Trái Đất mang tên Thiên Cung 1. Ngoài ra, CNSA còn có kế hoạch phóng tàu thăm dò Hằng Nga -3 kèm xe tự hành lên Mặt Trăng vào tháng 12 tới.

Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng tỏ ra không kém cạnh trong lĩnh vực này khi là cơ quan không gian giàu kinh nghiệm nhất châu Á với nhiều nhiệm vụ khoa học liên hành tinh trong tay. Không lép vế, người láng giềng Hàn Quốc sau vụ phóng thành công tên lửa đẩy Naro-1 hồi đầu năm nay đã trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới sở hữu công nghệ chinh phục không gian. Trước đó năm 2012, CHDCND Triều Tiên cũng chính thức góp mặt trong hàng ngũ các cường quốc không gian khi phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 mang theo vệ tinh thời tiết Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo Trái Đất.

ĐƯỜNG THẤT (Theo BBC, LAT)

 

Chia sẻ bài viết