27/09/2016 - 09:57

Chạy đua chế tạo chiến đấu cơ tàng hình

Theo nhận định của Nhật báo Phố Wall (WSJ), việc Nga và Trung Quốc không ngừng phát triển các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhằm chiếm ưu thế trên bầu trời đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới với phương Tây.

WSJ ước tính, hơn 3/4 chiến đấu cơ trong các phi đội Mỹ bắt đầu hoạt động từ những năm 1970. Đáng chú ý trong số này là F-15 - một trong các thế hệ máy bay chiến đấu tốt nhất của Mỹ được đưa vào sử dụng từ năm 1975 trong khi tiêm kích F /A-18 và F-16 của Hải quân lần lượt được triển khai và sử dụng rộng rãi từ năm 1978 và 1979. Đến năm 2005, Mỹ đưa vào biên chế chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là siêu tiêm kích F-22 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới. Tháng 8 năm nay, Không quân Mỹ thông báo phi đội tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 Joint Strike Fighter sở hữu tính năng tàng hình ưu việt cùng năng lực tấn công mạnh mẽ đã sẵn sàng chiến đấu.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.

Trong khi Mỹ tiếp tục cải tiến nhằm duy trì lợi thế trên không, giới quan sát cho biết Nga và Trung Quốc cũng không ngừng đầu tư cho thế hệ máy bay chiến đấu mạnh mẽ hơn. Theo giới phân tích, đây là chiến lược để Mát-xcơ-va duy trì ưu thế quân sự tại các điểm nóng như Đông Âu và Trung Đông trong khi đối với Bắc Kinh là hiện thực hóa tham vọng trên Biển Đông.

Theo kế hoạch, Mát-xcơ-va sẽ chính thức trang bị cho Không quân Nga máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên T-50 vào năm 2018. T-50 được trang bị hai động cơ và hệ thống điện tử tinh vi phân bổ trên toàn máy bay có thể phát hiện máy bay tàng hình của đối phương. Trong khi đó, Trung Quốc vốn dựa vào thiết kế của Nga nay cũng bắt đầu thay đổi với các dự án vũ khí mới. Trong đánh giá thường niên về quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết Không quân Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ quân sự với các nước phương Tây. Chẳng hạn như năm 2011, Trung Quốc lần đầu tiên cho bay thử nghiệm tiêm kích J-20 với bề ngoài tương tự F-22 và được Bắc Kinh ca ngợi là sánh ngang với chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ hay Sukhoi T-50 của Nga. Một năm sau đó, Trung Quốc tiếp tục cho thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình FC-31 (hay J-31) tương tự F-35 của Mỹ nhưng có 2 động cơ.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng David Goldfein cảnh báo thách thức lớn nhất hiện nay đối với Không quân nước này là sự nổi lên của các đối thủ với khả năng quân sự tiên tiến sánh ngang với Mỹ. Trong đánh giá gần đây về nhu cầu tác chiến, Không quân Mỹ đã đề nghị giải pháp đối phó là triển khai tên lửa tầm xa hoặc những vũ khí khác cho phép chiến đấu cơ có thể hoạt động bên ngoài phạm vi phòng thủ của đối phương nhưng vẫn có thể tấn công các mục tiêu của kẻ thù. Một số nhà lập pháp Mỹ cũng kêu gọi Lầu Năm Góc nối lại việc sản xuất tiêm kích tàng hình F-22 nhưng trang bị linh kiện điện tử mới để đảm bảo ưu thế trên không cho Không quân Mỹ trước sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc.

Không riêng Mỹ, các nước như Anh, Pháp, Đức... cũng đang tìm kiếm thế hệ máy bay chiến đấu mới để đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa, đặc biệt là nguy cơ khủng bố đang ngày càng lan rộng ở châu Âu.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết