03/09/2018 - 12:38

Châu Âu tìm mối quan hệ mới khi “trở lại” lục địa đen 

Việc cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đồng thời có chuyến công du châu Phi vào những ngày cuối tháng 8 cho thấy vị trí ngày càng quan trọng của châu Phi trong mắt các cường quốc hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo ở châu Âu cũng phát đi một thông điệp rõ ràng về nhu cầu cấp thiết của các nước “lục địa già” phải làm mới mối quan hệ với các đối tác châu Phi, trong bối cảnh châu Phi từ lâu đã trở thành tâm điểm của một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trên thế giới.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Thủ tướng Đức Merkel hôm 31-8.

Thủ tướng Anh Theresa May đã đến Nam Phi, Nigeria và Kenya trong chuyến công du châu Phi đầu tiên kể từ khi bà nhậm chức hồi tháng 7-2016, chuyến công du được đánh giá nằm trong chương trình nghị sự thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Anh thời kỳ hậu Brexit. Trong khi đó, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng thời điểm tới 3 nước khu vực Tây Phi gồm Senegal, Ghana và Nigeria được đánh giá là minh chứng cụ thể cho những cam kết mà nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu châu Âu từng đưa ra đối với lộ trình phát triển châu Phi. Tuy nhiên, mục tiêu của cả hai nhà lãnh đạo có vẻ tương đồng khi tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư và thương mại cũng như an ninh, trong đó cả bà May lẫn bà Merkel đều thể hiện rằng đối với Anh và Đức, các quốc gia châu Phi đang là đối tác quan trọng.

Thủ tướng Anh Theresa May tới châu Phi với sự tháp tùng của 29 giám đốc điều hành các công ty kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, còn đoàn tùy tùng của nhà lãnh đạo Đức bao gồm những doanh nghiệp hàng đầu đất nước. Thủ tướng May cam kết Anh sẽ giữ nguyên mức viện trợ cho các nước đang phát triển ở mức 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và bày tỏ Anh muốn tăng cường quan hệ thương mại với châu Phi, thông qua cam kết tài trợ 4 tỉ bảng Anh cho các nền kinh tế châu Phi, tập trung vào đào tạo và huấn luyện nghề cho tầng lớp thanh niên. Thủ tướng May cũng đặt mục tiêu đến năm 2022, Anh sẽ trở thành nước có mức đầu tư tại châu Phi cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Bên cạnh yếu tố kinh tế, tham vọng của Luân Đôn trong kế hoạch này đã được Thủ tướng Anh khẳng định rõ: “Một châu Phi ổn định, đảm bảo công ăn việc làm và phát triển là lợi ích chung của toàn thế giới bởi vì xung đột, triển vọng việc làm không mấy sáng sủa và bất ổn kinh tế sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng di cư và các chuyến hành trình nguy hiểm đến châu Âu”.

Với bà Merkel, các kế hoạch đầu tư của Đức vào châu Phi tập trung trong “Kế hoạch Marshall vì châu Phi”, đó là lộ trình hỗ trợ phát triển, phục hưng nền kinh tế với các cam kết tăng cường viện trợ và đầu tư để giảm nghèo, tạo việc làm cho giới trẻ, qua đó góp phần ngăn chặn làn sóng di cư từ châu Phi tới châu Âu..
Từ năm 2015, hơn một triệu người từ khu vực Trung Đông và châu Phi đã tràn vào châu Âu, trong đó phần lớn đặt chân đến Đức. Quyết định của bà Merkel khi đó mở cửa cho người tị nạn với câu nói nổi tiếng: “Wir schaffen das” (Chúng ta làm được), ý là nước Đức sẽ xử lý được cuộc khủng hoảng này, đã tạo ra một bước ngoặt trong xã hội cũng như trên chính trường nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung, song cũng khiến Thủ tướng Đức phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ trong ra ngoài nước. Dù bà Merkel vẫn đủ tín nhiệm để tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, song sóng gió lúc nào cũng vây quanh, chủ yếu vì vấn đề người di cư. Thông qua chuyến thăm châu Phi lần này, Thủ tướng Đức đặt mục tiêu có thể đưa nguồn vốn, khoa học kỹ thuật đến châu Phi để thực hiện các kế hoạch phát triển, từ đó góp phần ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu trong tương lai không xa.

Chuyến đi châu Phi lần này cũng thể hiện rằng cả Đức và Anh đều đã tham gia “cuộc đua tới châu Phi”, vốn khá sôi động trong vài năm gần đây khi hàng loạt cường quốc đều quan tâm đặc biệt tới châu lục đầy tiềm năng này. Kể từ đầu năm, châu Phi là điểm đến của hàng loạt nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Hấp lực lục địa đen

Mặc dù mỗi quốc gia tìm cách tiếp cận châu Phi theo một con đường khác nhau, nhưng cùng có chung một mục đích nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của một châu lục 1,2 tỉ dân với tốc độ tăng có thể lên đến gấp đôi vào năm 2050 cùng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào.
Hiện  Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua này khi trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại đây với sự hiện diện ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu dường như đã thành “người đến sau” mặc dù có nhiều lợi thế về sự gần gũi về địa lý, văn hóa cũng như mối quan hệ sẵn có trong lịch sử. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi liên tục giảm. Hàng hóa xuất đi châu Phi chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU năm 2006 và hiện đã giảm xuống còn 6,7% vào năm 2016. Trong khi đó, giá trị hàng hóa châu Phi xuất khẩu sang châu Âu năm 2016 đã giảm xuống 115 tỉ euro so với con số 185 tỉ euro vào năm 2012. Thực tế này đã làm giảm vai trò và sức mạnh của các nước châu Âu tại châu Phi.
Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng May khẳng định đây là “cơ hội đặc biệt, trong thời khắc đặc biệt với nước Anh”. Việc bà May chọn Nam Phi, Nigeria và Kenya, đều là các thành viên và những quốc gia “đầu tàu” trong Khối Thịnh vượng chung, từng được xem như “sân sau” của Anh, rõ ràng là cách để Luân Đôn củng cố lại tầm ảnh hưởng của mình. Khi tiến trình Brexit đưa nước Anh rời EU đang diễn ra, Luân Đôn cần tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm các đối tác mới, cũng như nỗ lực chinh phục lại chính “vùng ảnh hưởng” cũ. Do vậy, mục tiêu lớn nhất trong chuyến công du châu Phi lần đầu tiên của Thủ tướng May là khôi phục và củng cố vai trò, tầm ảnh hưởng của Anh ở khu vực hạ Sahara của châu Phi, rộng hơn là 53 quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung – khu vực có tổng GDP lên tới hơn 13.000 tỉ USD.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 3 và 4-9 tại Bắc Kinh với chủ đề “Trung Quốc và châu Phi: Hướng tới một cộng đồng mạnh mẽ hơn với một tương lai chung thông qua hợp tác hai bên cùng thắng”. Theo SCMP, tại hội nghị, ông Tập Cận Bình sẽ công bố tài trợ thêm nhiều tỉ USD cho lục địa đen, sau khi đã cam kết 60 tỉ USD vốn vay và viện trợ không hoàn lại tại hội nghị lần trước vào năm 2015.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - châu Phi lên tới 170 tỉ USD.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức lại có thông điệp chuyến thăm tương đối rõ ràng, là thực hiện chiến lược hướng đến châu Phi mà Berlin đang theo đuổi như một phần của nỗ lực  mở rộng quyền lực mềm của Đức ở châu lục này. Bản thân Thủ tướng Đức tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hamburg hồi tháng 7-2017 đã đưa ra sáng kiến “Gắn kết với châu Phi”, thể hiện rằng Đức đang đi đầu trong các nước châu Âu trong “cuộc đua” tăng cường sự hiện diện tại châu Phi.

Xét từ mối quan hệ lịch sử thì châu Âu và châu Phi vẫn luôn gắn bó mật thiết với nhau và có nhiều ràng buộc về lợi ích. Bởi vậy có thể nói các nước châu Âu giữ vai trò quan trọng trong việc góp phần mang lại sự ổn định và an ninh ở châu Phi, mà trước hết là nhằm ngăn chặn dòng người di cư tìm cách vào “lục địa già”. Đối với châu Âu lúc này, việc thúc đẩy một mối quan hệ mới với châu Phi là điều thiết yếu, không chỉ vì lợi ích an ninh và kinh tế và còn thể hiện vị thế của châu Âu khi mà các cường quốc khác trên thế giới đang có những động thái quyết liệt để khẳng định sự hiện diện tại châu Phi. Chuyến thăm của lãnh đạo Anh và Đức tới châu Phi lần này chính là bước kế tiếp trong lộ trình “trở lại châu Phi” theo một cách mới mà các nước châu Âu đang xúc tiến tích cực.

PHI HÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết