08/08/2011 - 21:49

Khủng hoảng nợ tại châu Âu và Mỹ

Châu Âu hành động, châu Á bi quan

Các thị trường châu Á sụt ngày thứ 5 liên tiếp, kéo dài cuộc suy giảm thị trường toàn cầu bắt đầu từ năm 2009. Ảnh: Bloomberg 

Hôm qua 8-8, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã sụt giảm trong phiên mở cửa đầu tiên kể từ khi hãng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ định mức tín nhiệm nợ của Mỹ hôm 5-8.

Phản ứng trước việc Mỹ bị hạ định mức tín nhiệm nợ và khủng hoảng nợ tại châu Âu, trong phiên giao dịch sáng 8-8, các nhà đầu tư ở châu Á đã tăng cường bán cổ phiếu và đồng USD, rút vốn khỏi các tài sản có tính rủi ro cao và đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm, vàng và Franc Thụy Sĩ. Chứng khoán khắp châu Á rớt điểm thê thảm. Chỉ số châu Á Thái Bình Dương MSCI giảm 2,9% tại Tokyo, trong khi chỉ số Nikkei giảm 2,2%. Cũng trong phiên giao dịch sáng qua, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc rớt 1,1%, mức thấp nhất trong 2 năm qua; FTSE Straits Times của Singapore sụt 4%, mức thấp nhất trong 13 tháng qua; Hang Seng của Hồng Công giảm 3,5%, coi như xóa sạch mức tăng trưởng từ tháng 9-2010; Composite Thượng Hải của Trung Quốc tụt 4%; và Kospi của Hàn Quốc “lao dốc” 2,7%.

Tại Mỹ, chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 2,4%, nâng tỷ lệ “trượt dốc” hai tuần liên tiếp lên 11%. Chỉ số Euro Stozz 50 của châu Âu rớt 1,2%. Tại Anh, tâm lý lo sợ đang gia tăng, rằng khủng hoảng có thể hủy hoại niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, cũng như tăng nguy cơ kinh tế nước này chìm vào suy thoái kép.

Các nhà phân tích cho rằng sau đợt cổ phiếu được bán ra ồ ạt tuần rồi, giá nhiều loại tài sản không những sụt giảm mà còn tạo ra sự bất ổn, làm mờ dần viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng USD tiếp tục mất giá khi các nhà đầu tư bi quan về tình hình ở Mỹ. USD giảm 0,27% so với đồng yen Nhật xuống còn 1 USD đổi 78,01 yen, trong khi giảm 0,5% so với đồng euro khi 1 euro = 1,436 USD.

Giá dầu thế giới cũng biến động. Dầu thô giao tháng 9 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (Nymex) giảm 2,48 USD xuống còn 84,40 USD/thùng. Trong khi đó, vàng tăng 24,60 USD lên mức 1.688 USD/ounce trên sàn giao dịch New York, khi các nhà đầu tư tiếp tục xem đây là kênh đầu tư an toàn.

Nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ đang vượt ngoài tầm kiểm soát ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết mua trái phiếu chính phủ của Ý và Tây Ban Nha. Động thái trên diễn ra sau một ngày thảo luận căng thẳng giữa bộ trưởng tài chính của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong tuyên bố đưa ra, ECB cho biết họ hoan nghênh thông báo của Tây Ban Nha và Ý về “các biện pháp mới và cải cách” nhằm giải quyết các vấn đề tài chính, đồng thời giục hai nước này nhanh chóng thực hiện. Đây là bước ngoặt lịch sử của ECB, bởi trước nay ngân hàng này luôn cho rằng trách nhiệm chính trong hành động ngăn khủng hoảng nợ thuộc về chính phủ các nước.

Trước đó, trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc hội hai nước Pháp và Đức về việc thông qua các giải pháp mới nhằm thúc đẩy quỹ giải cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư châu Á tuy khá bi quan, nhưng không đến nỗi hoang mang. Lãnh đạo cơ quan giám sát tiền tệ Hồng Công, ông Norman Chan trấn an các nhà đầu tư rằng việc S&P hạ định mức tín nhiệm nợ của Mỹ không gây sức ép lên đồng USD, vì mức tín dụng AA+ vẫn rất an toàn. Ông này cho rằng đồng USD vẫn là tiền tệ quan trọng nhất trong giao dịch quốc tế và các sản phẩm tài chính. Tuy tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự báo, nhưng ông Chan cho rằng nguy cơ suy thoái kép ở Mỹ là không cao.

THIÊN QUỐC
(Theo Guardian, Bloomberg, WSJ)

Các thị trường châu Á sụt ngày thứ 5 liên tiếp, kéo dài cuộc suy giảm thị trường toàn cầu bắt đầu từ nă

Chia sẻ bài viết