18/05/2011 - 10:07

Châu Âu căng thẳng về tài chính

Chỉ một năm sau khi cam kết cho Hy Lạp vay 110 tỉ euro, các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể phải tiếp tục cấp thêm gói giải cứu mới cho nước này, trong bối cảnh vừa cứu Bồ Đào Nha và chịu sức ép từ Washington cũng như Bắc Kinh về việc ổn định thị trường và đồng tiền chung euro.

Eurozone chia rẽ về vấn đề nợ của Hy Lạp

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính eurozone Jean-Claude Juncker (phải) trao đổi với bộ trưởng tài chính của Ý và Pháp trong cuộc họp ở Brussels. Ảnh: Reuters 

Theo báo Guardian của Anh ngày 16-5, các bộ trưởng tài chính 17 nước sử dụng đồng euro (eurozone), cùng với 10 bộ trưởng tài chính các nước EU ngoài eurozone, đã nhất trí gói giải cứu 78 tỉ euro cho Bồ Đào Nha. Đây là gói giải cứu thứ ba cho một quốc gia thuộc eurozone trong vòng 12 tháng qua (trước đó là Hy Lạp và Ireland). Họ cũng ký thỏa thuận thành lập quỹ giải cứu eurozone vĩnh viễn, một cơ chế ổn định châu Âu, dự kiến hoạt động từ năm 2013.

Trong khi đó, các bộ trưởng EU chưa đưa ra quyết định gì về yêu cầu trợ giúp thêm của Hy Lạp trình lên EU hôm 15-5. Hy Lạp đã được cam kết cho vay 110 tỉ euro hồi năm trước, nhưng vẫn đang vất vả trong vòng suy thoái và nợ nước ngoài. Nợ của Hy lạp dự đoán có thể lên tới 166% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 và nước này đang nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các bộ trưởng EU cho rằng họ không thảo luận chi tiết liệu Hy Lạp có cần thêm vốn vay khẩn cấp từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không, nhưng cũng không loại bỏ khả năng trợ giúp thêm một khi xem lại chương trình giải cứu hiện nay, dự kiến sẽ được kết luận trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, báo Guardian cho rằng trước hết EU sẽ yêu cầu Athens thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Theo các quan chức EU, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou phải cho thấy rằng ông đang thực hiện cam kết bán tài sản công thông qua chương trình tư nhân hóa trước khi eurozone cân nhắc đề nghị giải cứu mới. Hồi tháng 3, Hy Lạp cam kết tư nhân hóa khoảng 50 tỉ euro tài sản, như cổ phiếu của các công ty nhà nước và bất động sản vào năm 2015, nhưng các bộ trưởng eurozone phàn nàn rằng họ chưa thấy có sự tiến triển đáng kể nào.

Strauss-Kahn bị bắt gây thêm khó khăn cho EU

Cuộc họp bộ trưởng tài chính eurozone đã bị phủ bóng đen do sự vắng mặt của Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, hiện đang bị bắt giữ ở New York vì bị buộc tội tấn công tình dục. Ông Strauss-Kahn từng là người có vai trò quan trọng trong vấn đề giải cứu Hy Lạp. Năm ngoái, ông là người ủng hộ có tính quyết định các gói giải cứu Hy Lạp thông qua mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Papandreou. Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi năm rồi cũng cho rằng IMF đóng vai trò trung tâm trong các gói giải cứu, với việc quỹ này góp 1/3 trong 750 tỉ euro tổng số tiền trợ giúp.

Tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ),  các quan chức EU cũng thảo luận xem ai sẽ là người có thể thay thế ông Dominique Strauss-Kahn lãnh đạo IMF, vị trí theo truyền thống do châu Âu nắm giữ. Thủ tướng Merkel là người đầu tiên cho rằng châu Âu nên duy trì đặc quyền này, trong khi một số người nêu quan điểm rằng vị trí này nên thuộc về các nền kinh tế mới nổi. Bà Merkel nói: “Về trung hạn, các nước đang phát triển có quyền nắm vị trí cao nhất ở IMF và cả Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng vào thời điểm hiện nay, khi châu Âu có nhiều bàn cãi về đồng euro, thì nên tiếp tục giữ vị trí này”.

Theo hãng tin Mỹ AP, nội bộ EU vẫn còn bất đồng về vấn đề nợ của Hy Lạp, một viễn cảnh mà các chuyên gia cho rằng quá nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của khu vực. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đang tăng sức ép lên EU trước sự hoài nghi về khả năng đứng vững của đồng euro. Tại cuộc họp các quan chức tài chính toàn cầu ở Washington hồi tháng trước, Mỹ, Trung Quốc và Canada tỏ rõ thái độ bất bình với sự thiếu kiên quyết của EU về vấn đề nợ của Hy Lạp và yêu cầu EU hành động để trấn an thị trường.

N.MINH (Theo Guardian, Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết