26/07/2010 - 21:38

Châu Á sẽ chiếm hơn 50% bệnh nhân Alzheimer toàn cầu

Một lớp rèn luyện trí nhớ cho người cao tuổi ở Hồng Công. Ảnh: Reuters

Với thực trạng dân số tăng nhanh như hiện nay, các nhà khoa học cảnh báo trong vòng 4 thập niên nữa, châu Á sẽ chiếm hơn 50% số bệnh nhân sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) trên thế giới.

Theo Tổ chức bệnh Alzheimer Quốc tế (ADI) có trụ sở tại Anh, hiện nay trên thế giới có hơn 35 triệu người mắc bệnh Alzheimer và các dạng suy giảm trí nhớ khác. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và sẽ vượt ngưỡng 115 triệu bệnh nhân vào năm 2050. Ở châu Á, năm 2005, có gần 14 triệu người mắc bệnh Alzheimer và các dạng bệnh mất trí nhớ khác. Dự báo, đến năm 2020, số bệnh nhân sẽ tăng lên 23,7 triệu người và tăng lên 64,6 triệu người vào giữa thế kỷ này. Đến năm 2050, riêng Trung Quốc sẽ có 27 triệu bệnh nhân Alzheimer và Ấn Độ sẽ là 16 triệu.

Mặc dù được dự báo sẽ là “điểm nóng” về bệnh Alzheimer nhưng theo các chuyên gia, hiện nay châu Á vẫn chưa sẵn sàng đối phó với nguy cơ tăng mạnh số bệnh nhân đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và thường trực của các bác sĩ chuyên khoa. Theo bác sĩ David Dai – điều phối viên của Hiệp hội bệnh Azheimer Hồng Công, thành viên của ADI, châu Á hiện có rất ít bệnh viện và nhà dưỡng lão có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa cũng như trang thiết bị chuyên dụng chăm sóc bệnh nhân Alzheimer. Bên cạnh đó, các nước dường như không có kế hoạch phát triển hệ thống nhà dưỡng lão dành riêng cho đối tượng bệnh nhân này. “Chúng tôi chưa có sự chuẩn bị. Cả khu vực Đông Nam Á cũng vậy”, chuyên gia lão khoa Dai trả lời phỏng vấn của phóng viên Reuters.

Chẳng hạn, hiện Hồng Công có 110.000 bệnh nhân Alzheimer, nhưng chỉ có 299 bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão có dịch vụ chăm sóc đối tượng bệnh nhân này. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối được đưa vào nhà dưỡng lão đa khoa nơi đội ngũ điều dưỡng không được huấn luyện để chăm sóc bệnh nhân. “Ở nhiều nhà dưỡng lão, bệnh tình của bệnh nhân trở nặng do họ chỉ nằm một chỗ và không được giao tiếp với ai nên “ra đi” nhanh”, bác sĩ Dai dẫn chứng. Tại Malaysia, ước tính có khoảng 50.000 người bị suy giảm trí nhớ. Theo bác sĩ Philip Poi, trưởng khoa bệnh tuổi già thuộc Đại học Malaysia, có rất ít nhà dưỡng lão có chế độ chăm sóc người bệnh Alzheimer. Trong khi đó, số người mắc bệnh Alzheimer ở Trung Quốc hiện tăng lên đến 8 triệu người, nhưng rất ít bệnh viện ở nước này có khoa điều trị bệnh mất trí nhớ.

Theo ADI, khoảng 10% những người ở độ tuổi 70 và 30% những người từ 80 tuổi trở lên có thể mắc bệnh Alzheimer – dạng suy giảm trí nhớ phổ biến nhất. “Mỗi gia đình đều sẽ có người mắc căn bệnh này. Hiện nay, số người sống đến 80 tuổi hoặc hơn không ngừng tăng”, Peter Yeun – giám đốc Viện nghiên cứu chính sách công cộng thuộc Đại học Bách khoa Hồng Công – dự báo.

Không những tạo gánh nặng cho xã hội, bệnh Alzheimer còn khiến gia đình nhiều bệnh nhân oằn vai do chi phí điều trị và chăm sóc khá cao. Tại một hội nghị về bệnh Alzheimer gần đây ở Hồng Công, đại diện của một bệnh nhân Azheimer 82 tuổi cho biết trung bình gia đình người bệnh phải bỏ ra 69.000 USD (1,3 tỉ đồng) để thuê người chăm sóc hằng ngày (trong 4 năm) và đưa bệnh nhân vào nhà dưỡng lão điều trị (trong 2 năm). Trong khi đó, con cái của cụ Aw Bek Sum (82 tuổi) – được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer cách đây 4 năm – trung bình hằng tháng tốn gần 2.000 USD (38 triệu đồng) để đưa mẫu thân đến bác sĩ khám bệnh, thuê người giúp việc, y tá chăm sóc ban ngày và các chi phí sinh hoạt khác.

THIÊN LAM (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết