28/05/2018 - 21:43

Chất lượng mang thai giảm theo độ tuổi  

Hiện nay, có nhiều chị em lập gia đình muộn, nên tuổi mang thai của phụ nữ cũng muộn hơn. Phụ nữ mang thai khi tuổi bằng hoặc lớ​n hơ​n 35 tuổi thì được xếp vào nhóm tuổi mà theo thuật ngữ y khoa gọi là “thai kỳ nguy cơ cao”. Theo bác sĩ chuyên khoa I Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, khi sản phụ lớn tuổi, thì có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. 

Nguy cơ dị tật

Theo các nghiên cứu, tuổi người vợ càng lớn thì khả năng có thai tự nhiên càng giảm. Sự suy giảm này liên quan đến số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ. Ở độ tuổi dưới 23 tuổi, 25% phụ nữ có thai tự nhiên mỗi tháng, sau đó tỷ lệ ngày càng giảm dần, đến 36 tuổi còn xấp xỉ 15% và đến năm 43 tuổi chỉ còn 5%. Không chỉ khó có thai mà trong quá trình mang thai, tỷ lệ sẩy thai tự nhiên, thai chết lưu, thai ngoài tử cung… đều tăng dần theo tuổi.

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Phương Châu tư vấn cho cặp vợ chồng mong con. Ảnh: Đ.L

Thống kê về sẩy thai tăng theo tuổi tác cũng cho thấy một thực trạng ảm đạm: gần 15% phụ nữ bị sẩy thai dưới 35 tuổi; tỷ lệ sẩy thai tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40; 40% ở độ tuổi từ 40- 45; 80% ở độ tuổi 45 có khả năng bị sẩy thai tự nhiên. Một vấn đề khác, với phụ nữ lớn tuổi, chức năng vòi trứng và lòng tử cung bắt đầu kém, tỷ lệ thai ngoài tử cung chiếm khoảng 7% và tăng dần theo tuổi của người mẹ. Với những thai phụ làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), qua 36 tuổi, với trứng tự thân, ở độ tuổi từ 44- 46 tuổi chỉ có 0,5% phụ nữ điều trị bằng TTTON sinh trẻ ra sống.

Một trong những biến chứng thường gặp nhất ở các bà bầu lớn tuổi là thai nhi mắc hội chứng Down. Theo các nghiên cứu, sau 35 tuổi, mỗi năm mẹ tăng 1 tuổi, nguy cơ con bị Down tăng lên 1,17 lần, cứ thế mà tăng theo tuổi mẹ. Do đó, tuổi mẹ cao thì sinh con vẫn được nhưng nguy cơ con bị dị tật tăng.

Sức khỏe mẹ cũng bị ảnh hưởng

Các nghiên cứu cũng cho rằng, phụ nữ trên 35 tuổi đang khỏe mạnh, làm việc, sinh hoạt bình thường nhưng khi mang thai có thể đối mặt với nhiều nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, băng huyết sau sinh, đột quỵ… và nguy cơ tăng dần theo tuổi người mẹ.

Chính vì thế, các bác sĩ khuyên thời gian mong con (bắt đầu để có con) sau: 1 năm với độ tuổi vợ <35; 6 tháng với tuổi từ 35-40; với tuổi >40 thì chỉ còn 3 tháng mà không có thai tự nhiên thì gọi là hiếm muộn. Theo nghiên cứu ở IVF Phương Châu, sau khi điều trị hỗ trợ sinh sản: 80% phụ nữ mang thai nằm trong nhóm mong con từ 1-2 năm; 72% mong con từ 2-3 năm. Thời gian mong con càng dài thì khiếm khuyết càng nhiều. Qua 3 năm không có con thì khiếm khuyết nghiêm trọng, vợ chồng nên đi khám sớm.

Từ những nguy cơ cho bé và bà mẹ khi mang thai, sinh con ở độ tuổi lớn, y học sinh sản đưa ra các khuyến nghị: Phụ nữ tuổi từ 20-30 tuổi nên được tham vấn về sức khỏe sinh sản, vợ chồng phải được cung cấp thông tin tỷ lệ mang thai và sẩy thai. Sau 35 tuổi, thời gian mong con 6 tháng không có thì phải khám hiếm muộn. Khả năng có thai tự nhiên và cả kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giảm đáng kể từ 30-40 tuổi. Do giảm khả năng sinh sản nên phụ nữ trên 35 tuổi và chưa mang thai nên tham vấn các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sau 6 tháng mong con để có con.

Ở độ tuổi 40, khi hiếm muộn, sử dụng các phương pháp như canh trứng, bơm tinh trùng vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí mà hiệu quả không cao. Vì vậy, phụ nữ trên 40 tuổi nên được tư vấn làm TTTON nếu đã thất bại với kích thích buồng trứng 1-2 chu kỳ. Gia đình nên làm TTTON  càng sớm càng tốt vì thời gian kéo dài, số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dẫn đến tăng chi phí và thời gian điều trị.

Hiện nay, trên mạng internet loan truyền các loại thuốc uống tốt cho trứng,  tăng tỷ lệ có thai… Đây đều là những quảng cáo chưa chính xác. Buồng trứng đã giảm chất lượng thì khó có thể cải thiện được, một khi trứng đã lão hóa thì chỉ còn phương pháp xin trứng.

Mang thai ở độ tuổi lớn là một gánh nặng đối với cơ thể, là sự hy sinh rất lớn của người mẹ. Việc chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước và trong thời gian mang thai, sẽ giúp giảm được phần nào những nguy cơ nêu trên. Các cặp vợ chồng nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để có kế hoạch sinh con khi bắt đầu lập gia đình.

H.HOA (ghi)

Chia sẻ bài viết