11/03/2011 - 21:40

Chấp nhận "tổn thương" để gượng dậy

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, nhiều chính sách về tiền tệ, thắt chặt đầu tư công, giảm chi ngân sách... được đặt ra với sự nhập cuộc tích cực của các bộ, ngành Trung ương. Những điều chỉnh của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ ít nhiều làm tổn thương nền kinh tế. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng: “phải chấp nhận tổn thương để gượng dậy”.

* Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ: Khi nền kinh tế đối mặt lạm phát cao, cần hết sức chú ý nông nghiệp

Năm 2010, lạm phát đã trở lại với mức tăng trên 10%, năm 2011 các dự báo cho rằng khó có thể giữ ở một con số. Vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm là các điều chỉnh, cải tổ cơ cấu giá cả như thế nào trong năm 2011 này để họ có được niềm tin ổn định vào năm tới. Nền kinh tế Việt Nam đã gặp khó khăn từ năm 2008, những doanh nghiệp trụ được tới ngày hôm nay đều là doanh nghiệp có khả năng thích ứng. Thích ứng với sự thay đổi của môi trường bên ngoài là một trong những tiêu chuẩn sàng lọc các doanh nghiệp trong cạnh tranh.

Từ năm 1990 đến nay nền kinh tế đã trải qua 2 lần lạm phát, một lần giảm phát, mỗi lần như vậy đều có khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng đều là bài học quí giá cho thế hệ các nhà doanh nghiệp đi sau. Vào lúc này, các doanh nghiệp hết sức cân nhắc những quyết định đầu tư mới của mình. Phần lớn đang cố gắng duy trì để chờ đợi sự ổn định. Lạm phát lần này của nền kinh tế không chỉ từ nguyên nhân bên trong mà một phần khá lớn đến từ bên ngoài do giá cả xăng dầu, giá cả lương thực trên thị trường thế giới tăng vọt.

Bài học của Việt Nam trong các năm qua là khi khó khăn thì nông nghiệp trở thành chỗ dựa của nền kinh tế. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi thì nông nghiệp thường bị suy giảm. Tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp vừa thấp, không tương xứng với mức đóng góp của nó lại đã giảm trong mấy năm gần đây góp thêm phần vào nguyên nhân tăng giá trong nước. Trong đánh giá về cơ cấu kinh tế cần tránh quan niệm máy móc khi cho rằng phải giảm tỷ trọng nông nghiệp, để có tỷ trọng nông nghiệp thấp, công nghiệp cao lên để đạt cơ cấu tiên tiến. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình, sự thay đổi kết cấu ngành là đều sẽ xảy ra do các tốc độ tăng trưởng khác nhau. Nhưng sự áp đặt do mong muốn có một cơ cấu nào đó hết sức chủ quan lại là vấn đề khác.

Nông nghiệp là ngành sản xuất kết nối hàng vạn nông hộ nhỏ với thị trường tiêu thụ, với các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Nông nghiệp cũng là ngành sử dụng nhiều đầu vào là sản phẩm của các ngành khác, trong đó có sản phẩm của hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự phát triển hay suy thoái của nông nghiệp liên quan rất nhiều đến công ăn việc làm, an sinh xã hội. Trên thế giới cũng xảy ra tình trạng là các nước nông nghiệp, có tỷ trọng nông nghiệp khá cao trong GDP, lại là những nước đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp thì thấp, ở các nước phát triển hơn, tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP thấp thì đầu tư công lại chiếm tỷ trọng cao. Trên thực tế nền nông nghiệp của các nước nghèo thường không đáp ứng được nhu cầu trong nước, xuất khẩu, nếu có thì chỉ là sản phẩm thô. Nền nông nghiệp ở các nước phát triển có thể đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu trong nước về chất lượng (và cả chủng loại) sản phẩm nông nghiệp và họ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ở phân khúc giá trị cao.

Điều này gợi cho chúng ta những suy nghĩ về chiến lược đầu tư, bố trí vốn vào đâu để nền kinh tế có hiệu quả, nông dân cũng được hưởng lợi.

* PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ): Chấp nhận lạm phát để kích thích sản xuất

Thắt chặt tiền tệ, doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư... đều thắt chặt chi tiêu, giảm sản xuất. Nếu kéo dài quá lâu sẽ gây hiệu ứng ngược lại là kinh tế rơi vào trì trệ, sản xuất không phát triển, đe dọa đến an sinh xã hội. Do vậy, chính sách thắt chặt tiền tệ phải thực hiện đồng bộ với chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để không lãng phí tài nguyên.

Trong điều kiện lạm phát ở mức cao thì tất cả người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp đều muốn bảo toàn vốn. Kênh đầu tư mà họ chọn sẽ là: đầu tư vàng, trữ đô-la, bất động sản. Ngoại tệ - lãi suất, vàng - chứng khoán, bất động sản đều có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Nếu thắt chặt dòng tiền đổ vào lĩnh vực vàng - chứng khoán thì dòng tiền có thể chảy sang ngoại tệ, bất động sản. Cần giải quyết những mấu chốt chính gây ra lạm phát này, có giải pháp hút đồng vốn từ những lĩnh vực trên đưa vào sản xuất, nhưng đây là vấn đề cực khó. Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, sẽ mạnh tay thắt chặt đầu tư công, không rót vốn đầu tư đối với dự án mới chưa bức thiết, chính sách hoàn toàn đúng. Nhưng cần lưu ý các dự án đang triển khai, chưa hoàn thành, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ gây lãng phí rất lớn.

Trong lạm phát, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, do công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính hạn chế. Do vậy, doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản xuất, tập trung vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mình có lợi thế cạnh tranh, thâm dụng lao động (lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ diễn ra, cần sử dụng lực lượng lao động giá rẻ, có tay nghề để giải quyết bài toán an sinh). Để cân bằng cán cân tiền - hàng, giải quyết lạm phát phải có lộ trình cụ thể. Song, cũng phải chấp nhận lạm phát, nhưng ở mức chịu đựng được của nền kinh tế để kích thích sản xuất phát triển.

GIA BẢO - THÀNH NGUYỄN (ghi)

Chia sẻ bài viết