10/08/2009 - 21:17

Chàng kỹ sư giúp nông dân thoát nghèo

Tận dụng nguồn phế thải trong xay xát lúa gạo, anh không ngại khó tìm tòi, nghiên cứu và đã thành công với quy trình sản xuất nấm bào ngư trên cơ chất trấu. Đó là kỹ sư Nguyễn Hoài Vững, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, thí nghiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang). Nghiên cứu của anh đã được ứng dụng nhiều trong thực tế, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện thu nhập, tạo đời sống khấm khá hơn cho nhiều nông hộ...

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Tờ mờ sáng, gia đình ông Nguyễn Huệ Đức (ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã tất bật với việc hái nấm, để kịp giao cho bạn hàng vào buổi sáng. Đây là vụ trồng thứ 2, ông Đức tham gia trồng nấm bào ngư trên cơ chất trấu. Bốn tháng trước, ông trồng thử nghiệm 1.000 bịch phôi, trên diện tích 40m2 đất. Sau thời gian chăm sóc, ông bán được gần 10 triệu đồng (chi phí đầu tư ban đầu khoảng 3,5 triệu đồng). Ông Đức phấn khởi nói: “Kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm bào ngư không khó, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn. Hiệu quả kinh tế lại khá cao”. Theo tính toán của ông Đức, cứ 1 bịch phôi có giá 3.000 đồng, sau khoảng 2 tháng chăm sóc sẽ cho năng suất từ 400-500 gram nấm. Sản phẩm thu được, gia đình ông đem ra chợ cân cho bạn hàng. Hiện nay, giá nấm dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, với giá này người trồng sẽ có lợi nhuận cao hơn, so với trồng các loại rau màu khác.

Sau nhiều vụ trồng, ông Nguyễn Văn Thành cũng ở thị trấn Tri Tôn, chia sẻ kinh nghiệm: “Địa điểm trồng nấm nên cách xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, đường giao thông; xây dựng nhà trồng tránh hướng gió lùa, vệ sinh và khử trùng tốt. Nước tưới rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, nếu nước nhiễm phèn, nhiễm mặn sẽ làm quả thể nấm bị dị dạng. Tưới đủ nước, nếu thừa sẽ làm bịch phôi bị úng, giảm năng suất và là cơ hội cho nấm mốc lạ tấn công”.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh trồng khoảng 150.000 đến 200.000 bịch phôi nấm bào ngư trên cơ chất trấu, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Chợ Mới, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên... Nhà trồng nấm bào ngư được làm bằng vật liệu nhẹ, rẻ tiền như tre lá, lưới. Cách trồng cũng đơn giản, nông dân dùng dây ni lông treo bịch phôi theo hướng nằm ngang, mỗi hàng cách nhau khoảng 30cm, chiều cao khoảng 1,6m. Chọn những bịch phôi có sợi tơ nấm mọc trắng đều, sau đó, tiến hành tháo nút bông phía trên miệng, dùng dao lam rạch từ 3-4 đường trên bịch phôi. Sau khi rạch bịch phôi, ngày hôm sau mới phun tưới nước (bình quân 2 lần/ngày, nếu khô từ 3-4 lần/ngày). Nhiệt độ thích hợp từ 25-280C; đủ ánh sáng là điều kiện thích hợp nhất để tạo quả thể nấm phát triển. Mỗi bịch phôi có thể thu hoạch được 3-4 đợt, một vụ trồng kéo dài từ 2,5 đến 3 tháng.

Kỹ sư Nguyễn Hoài Vững bên những bịch phôi nấm bào ngư trong phòng ươm. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh An Giang, cho biết: “Nấm bào ngư là thức ăn bổ dưỡng, thành phần dinh dưỡng cao, hiện nay người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ưu điểm của việc trồng loại nấm này là nhẹ công chăm sóc; không chiếm nhiều diện tích, đầu ra của sản phẩm cũng khá ổn định. Đa số bà con đều trồng nấm bào ngư trên cơ chất trấu, theo sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Hoài Vững ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Sáng kiến này đã đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo năm 2006, do UBND tỉnh tổ chức”.

Ý tưởng sáng tạo

Khác hơn chúng tôi nghĩ, không phải là người có gương mặt khắc khổ, nước da rám nắng, với nụ cười hiền, nở trên gương mặt phúc hậu, Hoài Vững tạo cho người đối diện một cảm giác gần gũi và thân thiện.

Sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), Hoài Vững là anh cả trong gia đình gồm 4 anh em; cha mẹ anh buôn bán nhỏ ở chợ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hoài Vững thi đậu vào ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học dân lập Văn Lang, TP Hồ Chí Minh. Năm 1999, anh tốt nghiệp, trở về địa phương công tác. Năm 2001, anh chuyển công tác đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho đến nay. Sở thích của Hoài Vững là lúc rảnh rỗi thường lên mạng Internet tìm kiếm thông tin chuyên môn hay đi nhà sách tìm mua những quyển sách về nhân vật lịch sử. Đặc biệt, anh thích đọc quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm. Anh bộc bạch: “Trước đây, tôi cũng từng mơ ước sẽ trở thành bác sĩ, nhưng không thành. Sau đó, tôi theo học ngành Công nghệ sinh học. Trong quá trình học tập và qua thực tiễn, tôi đã tìm được niềm vui, niềm say mê trong nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”. Từ niềm say mê đó, năm 2006, là năm đánh dấu sự kiện đáng nhớ, anh đạt giải nhất Hội thi sáng tạo và vinh dự được đứng hàng ngũ của Đảng.

Lâu nay, vào mùa thu hoạch lúa, các nhà máy xay xát lúa gạo trên địa bàn An Giang cứ thải trấu trực tiếp xuống sông, rạch làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Mỗi chiều trên đường về nhà, Hoài Vững thường chứng kiến cảnh tượng này và nhớ lại chuyến công tác cơ sở, nhiều hộ trồng nấm bào ngư cứ than thở là nguyên liệu làm nấm: mùn cưa, bã mía, thân cây mục dạo này khan hiếm, giá cao... Thế là, trong đầu Hoài Vững lóe lên ý tưởng sao không thử nghiệm dùng trấu để làm nguyên liệu sản xuất nấm bào ngư.

Vậy là Hoài Vững bắt tay vào tìm hiểu các tài liệu có liên quan và bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm vào năm 2005. Thời gian đầu, Hoài Vững gặp không ít khó khăn, như: Muốn nguyên liệu có màu sáng, đẹp thì trấu ngâm vào nước vôi với liều lượng như thế nào; thành phần vôi ra sao và thời gian ngâm trong nước bao lâu... Sau những lần thử nghiệm, hàng loạt vấn đề phát sinh dần được anh tháo gỡ. Nấm bào ngư vẫn phát triển tốt trên cơ chất trấu, đó là kết quả bước đầu Hoài Vững đạt được. Tuy nhiên, không dừng lại đó, Hoài Vững tiếp tục nghiên cứu và đưa ra công thức phối trộn dinh dưỡng hợp lý, nhằm nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm.

Sau 6 tháng miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng Hoài Vững đã thành công. Sau đó, anh đúc kết nghiên cứu của mình thành quy trình sản xuất nấm bào ngư bằng nguyên liệu trấu, gồm các công đoạn: Trấu mua về đem ngâm vào nước vôi, vớt ra để ráo, đem phối trộn dinh dưỡng, vô bịch khử trùng, để nguội, cấy meo giống, ủ tơ và cho ra sản phẩm bịch phôi nấm bào ngư. Anh Vững cho biết: “Trong quy trình sản xuất nấm, khâu hấp khử trùng là quan trọng nhất. Nếu nhiệt độ không đạt, nhiều loại nấm, vi sinh vật khác hút hết chất dinh dưỡng, dẫn đến bịch phôi kém chất lượng, năng suất không cao”.

Ông Tống Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, cho biết: “Thời gian qua, quy trình sản xuất nấm bào ngư trên cơ chất trấu được ứng dụng rộng rãi, giúp nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo. Hằng tháng, Trung tâm bán được từ 2.000 đến 3.000 bịch phôi”.

Không ngừng học tập

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hoài Vững không ngừng ra sức phấn đấu, học tập theo lời dạy của Người: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học từ nhân dân”. Làm nghề gì cũng phải học và làm nghề gì phải thạo nghề ấy, đó chính là phương châm sống, giúp anh vượt qua khó khăn, thách thức trong công việc cũng như trong đời sống. Hoài Vững bộc bạch: “Những nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, giúp bà con làm ăn có hiệu quả, tôi cảm thấy rất vui. Đây là động lực để tôi tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và tìm ra những sản phẩm mới, thiết thực, giúp ích cho đời sống nông dân”.

Hiện nay, Hoài Vững đang ấp ủ đề tài nghiên cứu: “Xử lý nước thải ao nuôi trồng thủy sản”. Nói về quy trình xử lý nước thải, anh cho biết: “Quy trình gồm các giai đoạn sau: Phân lập thuần chủng, nhân sinh khối, sau đó cho vào ao nuôi cá. Sau khoảng 4 ngày xử lý nồng độ gây độc, rồi xả trực tiếp ra sông, kinh rạch”. Đây là đề tài luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, anh rất kỳ vọng khả năng ứng dụng trong thực tiễn, giúp nhiều người nuôi cá làm sạch môi trường, hạn chế tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm.

Điều đáng quý ở Hoài Vững, như nhận xét của đồng nghiệp Nguyễn Chương Khương: “Hoài Vững sống chan hòa, luôn tận tình giúp đỡ, chỉ dẫn những điều mới mà đồng nghiệp chưa biết. Trong công việc, anh luôn cầu thị, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và luôn có những đề xuất, nghiên cứu cải tiến khoa học kỹ thuật gắn bó thiết thực với đời sống nông dân”.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết