24/08/2008 - 08:30

Chân lý học và hành

Các thí sinh vừa trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 đang náo nức chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học. Đây là vinh dự và cũng là khát vọng lớn lao đối với bất cứ học sinh phổ thông nào. Năm nay, nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Đó là đa số các thủ khoa đậu vào các trường đại học đều xuất thân từ con em nông dân.

Đậu đại học đã là một vinh dự, đậu thủ khoa còn vinh dự hơn. Và nhân sự kiện này, đến lúc cần nhìn lại tư duy giáo dục- đào tạo của chúng ta hiện nay cũng như quan điểm về học tập của con em đối với các bậc phụ huynh. Các cụ xưa đã nói “phú quý sinh lễ nghĩa”. Trong thời buổi kinh tế thị trường, kinh tế và mức sống của nhiều người ngày càng được nâng lên. Đối với cư dân đô thị, tư duy và ý thức về đào tạo và học tập của con em đã khác trước rất nhiều; thậm chí không ít bậc phụ huynh đã quá cực đoan. Vì muốn con em bằng bạn, bằng bè, muốn con em có một tương lai xán lạn trong thời buổi “chất xám là tiền”, nên nhiều bậc phụ huynh đã đôn đáo lo cho con em: nào là học ở những trường có tiếng, ngoài chương trình học chính quy còn tìm thầy giỏi để con đi học thêm. Hết học ở trường, còn mời giáo viên về nhà phụ đạo, hè cũng không được nghỉ, cứ phải lao vào học mà không hề kiểm chứng lại hiệu quả của việc học này... Vì vậy mà cái học của các em cực đoan đến mức, một học sinh ở đô thị mới học lớp 2, lớp 3 cặp sách nặng gần bằng trọng lượng các em; thời gian học gấp 2-3 lần thời gian nghỉ ngơi và vui chơi. Liệu các em còn biết tư duy là gì nữa hay không khi bộ óc có nhiều khả năng bị “trơ mòn”? Trong khi, nhiều phụ huynh không tiếc tiền triệu cho sự học của con trẻ thì kết quả cuối cùng nhiều khi không đạt như mong muốn của họ. Nhiều học sinh con nhà giàu dù ngày ngày được gia sư kèm cặp vẫn không thể đậu vào đại học.

Trở lại vấn đề thủ khoa, trong số những thủ khoa năm nay hầu hết là con em nông dân, thậm chí có những học sinh gia cảnh rất nghèo. Ngoài học tập, các em phải đi làm thêm như: chở gạch, phụ hồ, bán bánh cuốn, làm đồng, đi biển... Nói tóm lại, các em không có tiền và thời giờ để đi học thêm, cũng chẳng có tiền để mua nhiều tài liệu tham khảo. Các em này ngoài tố chất thông minh sẵn có, một nghị lực khát khao vươn lên, điều quan trọng là các em có một phương pháp học tập đúng đắn. Phương pháp đó là lấy lý thuyết được giảng dạy trong sách giáo khoa làm nền tảng, để rồi từ những kiến thức đó tạo nên những biến đổi, suy luận (tư duy) để tìm ra lời giải khác. Các em học dựa trên tư duy khoa học, thay vì sự nhồi nhét dễ dẫn đến nhàm chán mà không ít học sinh đang gặp phải. Bởi thế, một khi bộ óc có thời gian cho việc nghỉ ngơi, có thời gian cho tư duy thì chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải tại sao đa số các thủ khoa năm nay đều xuất phát từ con em nông dân nghèo khó.

Nhân sự kiện này, mong rằng ngành Giáo dục- Đào tạo và các bậc phụ huynh cần có cái nhìn mới hơn về tư duy giáo dục. Các bậc phụ huynh cũng cần phải có cái nhìn mới hơn trong cách học của con em mình.

LÊ HÀ

Chia sẻ bài viết