28/08/2017 - 20:58

Chân khoèo - điều trị sớm, hiệu quả cao 

Bàn chân khoèo là dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trong các loại dị tật ở hệ vận động. Theo thống kê trên thế giới, cứ mỗi 1.000 trẻ em được sinh ra thì có 1 – 3 trẻ mắc dị tật này. Nếu trẻ không được điều trị sớm, khi lớn lên sẽ dẫn đến tàn tật vận động, khó khăn trong lao động, sinh hoạt và mặc cảm tâm lý.

      Bàn chân khoèo.

 

Kiên trì điều trị

Tỷ lệ mắc dị tật chân khoèo ở bé trai gấp 2 lần so với bé gái. Theo các bác sĩ, dị tật này cần điều trị càng sớm càng tốt. Chân khoèo bẩm sinh là một tật bẩm sinh của bàn chân bị nhón gót - vẹo trong gồm 3 biến dạng chính: gập lòng khớp cổ chân, áp và vẹo trong bàn chân. Đây không phải bệnh lý di truyền hay lỗi của bố, mẹ trong thời kỳ mang thai. Từ năm 2013, Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ đã triển khai điều trị bàn chân khoèo theo phương pháp Ponseti (bó bột- nắn chỉnh) vừa an toàn và ít tốn kém. Đến nay, Khoa điều trị cho gần 50 cháu với 74 bàn chân khoèo. Trong số này, 20 cháu đã đi lại bình thường, các cháu còn lại đang trong thời gian theo dõi.

 Mang giày nẹp.

Bác sĩ Phạm Văn Đông, Phó Trưởng Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian điều trị dị tật này kéo dài, nên cần sự hợp tác của gia đình. Sau sinh, khi phát hiện trẻ bị dị tật bàn chân, các BV sản chuyển cháu sang đây để bác sĩ khám, đánh giá tình trạng dị tật. Sau đó, chúng tôi tiến hành điều trị ngoại trú theo phương pháp Ponseti: bó bột- nắn chỉnh, sau đó thay bột mỗi tuần. Sau 4-6 lần bó bột, kiểm tra lại nếu gân gót co rút thì sẽ làm tiểu phẫu cắt gân gót. Sau đó, bó bột lần cuối trong 21 ngày. Trong 50 trường hợp điều trị thì có 40 cháu làm tiểu phẫu cắt gân gót. Sau quá trình bó bột, cháu chuyển sang giai đoạn mang nẹp giày có thanh ngang liên tục cả ngày và đêm trong 3 tháng đầu và tiếp tục đi nẹp giày trong khi ngủ từ 24 đến 36 tháng (tùy cháu). Nẹp giày nhằm giữ thẳng bàn chân cho cháu, tránh tái phát chân khoèo về sau. Quá trình điều trị không đau và rất an toàn. Việc điều trị, theo dõi kéo dài đến khi cháu 3 tuổi”.

Bác sĩ khuyến cáo sau vài ngày sinh là bé có thể điều trị vì lúc đó xương dễ nắn chỉnh, bé sơ sinh ít vận động. Một số trường hợp, trẻ vài tháng tuổi, thậm chí 7-8 tháng mới đi điều trị, lúc đó việc điều trị khó khăn do cứng khớp, bé không hợp tác với nhân viên y tế.

Không chủ quan 

Trong quá trình điều trị, một số phụ huynh thấy bàn chân bé thẳng ra nên bỏ ngang, sau một thời gian, bàn chân tái phát khoèo mới quay lại điều trị. Hoặc có trường hợp, ông bà không đồng ý bó bột, đưa bé đi nắn, bó thuốc nam, thuốc bắc, khi không hiệu quả mới quay lại điều trị làm cho việc điều trị tốn kém, khó khăn. Hiện nay, việc điều trị bàn chân khoèo không tốn kém quá nhiều. BV Nhi đồng TP Cần Thơ đang xúc tiến các thủ tục để bảo hiểm y tế thanh toán cho điều trị bàn chân khoèo.

Trong quá trình điều trị, theo bác sĩ Phạm Văn Đông, gia đình đưa trẻ đến bó bột đều đặn, giữ chân bó bột sạch sẽ, khô thoáng, đi nẹp hằng ngày để giữ cho bàn chân bé thẳng. Trong quá trình điều trị, cần đưa trẻ đến bác sĩ khám khi có dấu hiệu: các ngón chân bé sưng phồng hay rất lạnh; vùng da nơi bó bột nổi mụn hay phát ban; bột bó bị mềm, ướt, vỡ; ngón chân bị bột bó che lấp; phần bột có mùi không bình thường, trẻ quấy khóc nhiều…...

Hiện nay, ngoài BV Nhi đồng TP Cần Thơ, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Cần Thơ cũng điều trị dị tật theo phương pháp này.    

Đề tài “Khảo sát đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponseti tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ”, qua khảo sát đến năm 2016, với 67 chân khoèo ở 46 cháu thì có 55 bàn chân làm thủ thuật gân gót. Qua điều trị từ 4-6 tuần, hầu hết kết quả tốt (83.6%), còn lại là khá, không có chân khoèo bị đánh giá là có kết quả trung bình trước khi mang giày nẹp.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết