22/09/2011 - 08:53

Cựu Tổng thống Rabbani bị ám sát:

Chấn động tiến trình hòa bình Afghanistan

Cái chết của Rabbani là một tổn thất lớn của chính quyền Afghanistan. Ảnh: AFP 

Như tin đã đưa, cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani đã bị ám sát tại nhà riêng ở Thủ đô Kabul hôm 20-9. Ông là chủ tịch Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan, có vai trò hết sức quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban. Báo giới phương Tây lo ngại cái chết của chính trị gia lão luyện 71 tuổi này sẽ làm chệch hướng tiến trình đàm phán hòa bình và hòa hợp dân tộc còn lắm chông gai ở Afghanistan.

Ông Rabbani cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1992 đến 1996. Ông được đương kim Tổng thống Hamid Karzai bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng Hòa bình Tối cao (gồm 70 thành viên) hồi tháng 10-2010, với nhiệm vụ tiến hành đối thoại với phiến quân Taliban và các nhóm nổi dậy khác. Song các lực lượng này nhiều lần bác bỏ Hội đồng Hòa bình Tối cao và yêu cầu rút các lực lượng vũ trang nước ngoài khỏi Afghanistan.

Theo tin mới nhất liên quan tới việc điều tra vụ ám sát ông Rabbani, người đứng đầu Cơ quan Điều tra tội phạm của Kabul, ông Mohammad Zaher cho biết tối 20-9, có hai đối tượng là thành viên Taliban đã gặp ông Rabbani tại nhà riêng của ông (gần Đại sứ quán Mỹ) và kích hoạt khối thuốc nổ. Vụ nổ làm ông Rabbani thiệt mạng và làm bị thương ông Massom Stanikzai, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Hòa bình Tối cao. Trước đó, có tin cho rằng ông Stanikzai cũng đã thiệt mạng. Một nguồn tin cảnh sát cho hay kẻ tấn công liều chết đã cuốn thuốc nổ vào chiếc khăn xếp đội đầu khi đến gặp ông Stanikzai.

Vụ đánh bom gây hậu quả chấn động khiến Tổng thống Karzai đã quyết định rút ngắn chuyến công du Mỹ tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông đã có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama và nhận được sự trấn an rằng vụ ám sát đó sẽ không thể cản trở Mỹ và Afghanistan hợp tác xây dựng “con đường đi đến tự do, an ninh và thịnh vượng”. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Rasmussen tuyên bố NATO sẽ tiếp tục “kề vai sát cánh hỗ trợ nhân dân Afghanistan có tương lai tốt đẹp và an toàn hơn”. Ông nhấn mạnh những kẻ gây chết chóc và hủy diệt sẽ không bao giờ chiến thắng tại đất nước này.

Tại Islamabad, Bộ Ngoại giao Pakistan ra tuyên bố lên án vụ ám sát, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu Tổng thống Rabbani là “một người bạn” mà Pakistan cộng tác chặt chẽ trong các nỗ lực hòa bình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định: “Nhân dân Pakistan đứng bên cạnh những người anh em Afghanistan trong giờ phút đau thương vì mất đi một nhà lãnh đạo có tài, người đang tích cực theo đuổi hòa bình và hòa giải ở Afghanistan”.

Cùng ngày 20-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng bày tỏ chia buồn trước việc cựu Tổng thống Afghanistan bị sát hại dã man. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague hy vọng cái chết của ông Rabbani sẽ không tác động tới nỗ lực tiến tới hòa bình và hòa giải của Afghanistan.

Tuy nhiên, các thủ lĩnh của Liên minh phương Bắc đã lên tiếng phê phán tiến trình đàm phán hòa bình với Taliban, cho rằng phe này không đáng tin cậy. Dư luận báo chí phương Tây cũng tin rằng đây là cú giáng vào tiến trình đàm phán hòa bình của chính quyền Afghanistan. Theo BBC, nếu tiến trình này không chệch khỏi đường ray thì nó cũng sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể phải sử dụng lại biện pháp quân sự để tạo sức ép.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Cái chết của Rabbani là một tổn thất lớn của chính quyền Afghanistan. Ảnh: AFP 

Chia sẻ bài viết