09/09/2012 - 20:16

Chấn chỉnh hoạt động thu mua nông sản trái phép của thương nhân nước ngoài

Kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài (TNNN) tại Việt Nam là hoạt động mà các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực thực hiện trong thời gian tới- đó là ý kiến của đa số đại biểu tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của TNNN tại Việt Nam, do Bộ Công thương và UBND TP Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 8-2012. Với quyết tâm này, hy vọng nông dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân ĐBSCL không còn lâm cảnh khốn khó.

* Quản lý lỏng lẻo, hậu quả khôn lường...

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ tháng 5-2011 đến nay, TNNN vào Việt Nam hoạt động thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng, góp phần tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nhất là nông sản có sản lượng lớn và có thời vụ thu hoạch ngắn, như: lúa, khoai, thủy sản; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động... Tuy nhiên, bên cạnh đó xuất hiện không ít trường hợp hoạt động trái pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: ảnh hưởng quy hoạch các vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến; đẩy giá các loại nông sản lên mức cao bất thường, gây nên những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng mặt bằng giá tiêu dùng trong nước, giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến. TNNN thu mua nông sản ồ ạt, không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại, tạo ra đơn hàng riêng... làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Việc sản xuất, nuôi trồng để cung cấp hàng hóa cho TNNN còn làm ảnh hưởng cảnh quan, tác động xấu đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên do đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, tận thu trong thời gian ngắn bằng mọi cách, gây thiệt hại cho người sản xuất...

Nông dân huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) ồ ạt trồng khoai lang tím theo lời hứa thu mua giá cao của TNNN, nhưng khi thu hoạch chỉ bán với giá 300.000 đồng/tạ, bị thua lỗ nặng. Ảnh: MINH HUYỀN 

Nông dân ĐBSCL còn nhớ rõ vụ thương lái nước ngoài đặt hàng thu mua và trồng khoai lang tím với nông dân huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ)... vào tháng 9-2011. Thời điểm này, khoai lang tím Nhật lên cơn “sốt giá” khoảng 1 triệu đồng/tạ. Lúc đó, nông dân có thu nhập từ 450 - 500 triệu đồng/ha khoai lang, mức cao chưa từng có. Chính giá khoai lang do thương lái Trung Quốc đưa lên cao, đã đưa phong trào trồng khoai phát triển rầm rộ ở nhiều nơi. Có nhiều địa phương, nông dân phá bỏ đất trồng rau màu, bỏ vụ lúa đông xuân... để trồng khoai, với hy vọng làm giàu. Cụ thể như huyện Cờ Đỏ có đến 600 – 700 ha trồng khoai lang tím, trong khi Cờ Đỏ không có thế mạnh trồng khoai và cây khoai cũng không nằm trong kế hoạch phát triển của huyện. Ở huyện Bình Tân khoai lang tím được nông dân tập trung trồng chiếm 80% - 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Khi diện tích trồng nhiều, sản lượng dư thừa, thương lái bắt đầu đè giá xuống thấp từ 1 triệu đồng/tạ (1 tạ khoai ở ĐBSCL là 60kg) giảm liên tục xuống còn 300.000 đồng/tạ, thậm chí có nơi thương lái chỉ mua 250.000 đồng/tạ, đẩy hàng trăm hộ trồng khoai ở ĐBSCL lâm vào cảnh lỗ nặng. Các trường hợp thu mua nông sản như dừa ở Bến Tre, cua biển ở Cà Mau, Bạc Liêu... cũng lâm vào tình cảnh như thế. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết: “Thời gian qua, một số thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản trái phép, đẩy giá các mặt hàng nông sản lên cao bất thường, làm rối loạn thị trường, thậm chí phá vỡ qui hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Nhiều nhà máy bị mất nguồn nguyên liệu, hoạt động cầm chừng, nông dân đổ xô đi nuôi, trồng các giống cây, con theo “đơn hàng ngoại” cấp tốc, do đó rơi vào cảnh khi số lượng hàng hóa ít thì TNNN mua giá cao, số lượng nhiều thì hạ giá hoặc không mua... để lại hậu quả nặng nề, nông dân trắng tay. Điều này không những làm mất ổn định về kinh tế - thương mại mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có TNNN vào hoạt thu mua trái phép nông sản. Từ đó, các hoạt động mua bán hàng hóa của TNNN cần phải có sự quản lý chặt chẽ của các ngành, các cấp nhằm ngăn chặn những hậu quả trên”.

* Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm

Theo Vụ Thị trường trong nước, nông dân sản xuất và bán nông sản cho TNNN dẫn đến thua lỗ nặng, làm rối loạn thị trường trong nước là do hợp đồng mua bán không có cơ sở pháp lý, chỉ thỏa thuận miệng... Đồng thời, vì lợi ích riêng, một bộ phận thương nhân trong nước và nông dân vì lợi ích trước mắt, bán hàng trực tiếp cho TNNN, vô tình tiếp tay cho các đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về vấn đề này chưa đầy đủ, chưa phù hợp với từng đối tượng; việc tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các thương nhân nước ngoài tại các địa phương còn nhiều hạn chế...

Để giải quyết tình trạng này, tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của TNNN tại Việt Nam cho 18 tỉnh, thành phía Nam được tập trung triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TNNN hoạt động tại Việt Nam; quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại của TNNN; quy định pháp luật về công tác quản lý xuất nhập cảnh, trong đó có vấn đề nhập cảnh và lưu trú của cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam; quy định về bảo đảm an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu... Qua đó, nhiều hình thức xử lý nghiêm những hoạt động trái phép của TNNN được triển khai đến hàng trăm đại biểu của các địa phương nêu trên. Vụ Thị trường trong nước cũng lưu ý các địa phương cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trình báo chính quyền địa phương của người dân khi có TNNN đến thu mua nông sản, để từ đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng quản lý việc thu mua của TNNN theo đúng quy định pháp luật, tránh phá vỡ các vùng quy hoạch sản xuất và chế biến trong nước...

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết thêm: Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền luật pháp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động thu mua nông sản của TNNN tại các địa phương, đặc biệt tại địa bàn trọng điểm như khu vực ĐBSCL... Bộ cũng sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quyền xuất khẩu, nhập khẩu của TNNN không có đại diện thương mại tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của TNNN hoạt động tại Việt Nam để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép.

Bộ Công thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nông sản trong nước vay vốn với lãi suất thấp và ổn định để các doanh nghiệp đủ điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản cần chủ động tìm kiếm thị trường; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại phù hợp để xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài theo quy định của pháp luật... góp phần loại bỏ các trường hợp mua bán trái phép nông sản như nêu trên.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết