18/08/2018 - 18:38

Chăm sóc bò giúp cải tạo tù nhân 

Cứ vào lúc gần 6 giờ sáng mỗi ngày, Alfred đều vắt sữa bò nhưng khi xong việc vào ngày cuối tuần anh lại không về nhà mà anh quay lại trại giam của mình.

Tù nhân chăm sóc bò ở “nhà tù mở” của Thụy Điển. Ảnh: AFP

Alfred là một trong số 60 tù nhân đang chuẩn bị hòa nhập xã hội tại “nhà tù mở” hoạt động như trang trại ở thị trấn Mariestad, cách Thủ đô Stockholm của Thụy Điển chừng 300km về phía Tây Nam. Bị bỏ tù kể từ tháng 4 vì sở hữu súng bất hợp pháp, người đàn ông ở độ tuổi 50 sắp được thả vào tháng 11 tới này không thể che giấu niềm vui của mình khi được giao cho việc chăm sóc bò sữa ở trang trại. “Tôi thích những con bò này, chúng làm cho tôi bình tĩnh lại” - Alfred nói.

Tại nhà tù có tên Rodjan nói trên - trại cải tạo lớn nhất trong số 3 trại cải tạo thuộc hệ thống trại cải tạo của Thụy Điển, công việc của Alfred “mỗi ngày như mọi ngày”. Theo đó, ông mỗi ngày cùng với một tù nhân khác bỏ ra 2 tiếng rưỡi vào mỗi buổi sáng và tối để vắt sữa bò. “Tôi vệ sinh vú chúng để giúp chúng tránh vi khuẩn, sau đó tôi khử trùng vú chúng trước khi vắt sữa” - Alfred nhiệt tình nói. Trong khi đó, các tù nhân khác tại trang trại phụ trách việc tưới cây, sơn lại cổng trại và cắt cỏ, còn một số người khác thì phụ trách việc chăn nuôi. Tại đây, các tù nhân làm việc 35 giờ/tuần, nghỉ 2 ngày cuối tuần và được trả 1,15 USD/giờ. Tuy nhiên, vào những ngày nghỉ, Alfred thường xuyên quay lại chuồng bò để xem “mọi thứ có ổn hay không”. “Nhiều người làm việc cực kỳ tốt dù họ chưa bao giờ làm việc này trước đây. Thật thú vị khi nhìn thấy thái độ làm việc của họ chỉ sau vài ngày được huấn luyện” - Michael Henningsohn, người quản lý khâu sản xuất của trại giam Rodjan, hết lời ca ngợi tù nhân. Vào năm 2012, sữa bò của Rodjan đã nhận được giải thưởng từ Vua Carl XVI Gustaf.

Thụy Điển là một trong số những quốc gia có ít tù nhân nhất thế giới, chỉ 0,5 tù nhân/1.000 dân trong khi ở Pháp là 1 tù nhân/1.000 dân. So với Pháp, quốc gia tại vùng Scandinavia này chi gấp đôi cho mỗi tù nhân, đồng thời có những chính sách khoan hồng đối với tù nhân, chẳng hạn như cho tù nhân làm các công việc cộng đồng, thả tù nhân sau 2/3 thời gian bị giam giữ. Ngoài ra, Thụy Điển cũng đầu tư mạnh vào công tác tái hòa nhập cộng đồng thông qua các lớp học ngôn ngữ và đào tạo nghề. “Hệ thống cải tạo của chúng tôi được đưa ra nhằm mang mọi người trở lại xã hội, vì vậy họ sẽ không quay lại nhà tù nữa” - Britt-Marie Johansson, giám thị nhà tù Rodjan, phát biểu với AFP. Một thống kê cho thấy, tại Thụy Điển, chưa tới 1/3 tù nhân tái phạm sau khi ra tù.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết