21/05/2012 - 22:30

Đào tạo từ xa ở Trường Đại học Cần Thơ

Chậm mà chắc

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang truy cập Internet tại Trung tâm học liệu.

Đào tạo từ xa (ĐTTX) được xem là hình thức đào tạo có tính chất ưu việt, bởi giúp cho người học có điều kiện học tập suốt đời. Thế nhưng, không ít người băn khoăn về chất lượng đào tạo của loại hình này, vì đòi hỏi người học có tính tự học cao.”Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục từ xa?”- là vấn đề mà các đại biểu bàn luận tại Hội nghị đào tạo hệ giáo dục từ xa giữa Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) với các đơn vị liên kết vào ngày 18-5.

ĐTTX là một quá trình giáo dục - đào tạo, trong đó phần lớn hoặc toàn bộ quá trình giáo dục - đào tạo có sự tách biệt giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian. Vì thế, ĐTTX có những ưu điểm riêng so với các loại hình đào tạo khác, như: phù hợp với mọi đối tượng, học mọi lúc mọi nơi, giúp cơ sở giáo dục giảm áp lực về nguồn lực cơ sở vật chất... Theo Thạc sĩ Phan Huy Củng, Giám đốc Trung tâm ĐTTX, Trường ĐHCT, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vùng ĐBSCL, năm học đầu tiên (2009-2010), trường tuyển sinh 4 ngành đào tạo là Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Luật, Việt Nam học; năm học 2010-2011, trường được Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 3 ngành học nữa là Kinh doanh quốc tế (kinh tế ngoại thương), Kế toán và Văn học. Tổng số sinh viên theo học các ngành trên gần 4.500 học viên. Dự kiến năm 2012, Trường ĐHCT tuyển 5.000 sinh viên cho các ngành ĐTTX.

Hiện nay, Trường ĐHCT đang tiến hành xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo các ngành: điện - điện tử, quản lý công nghiệp thuộc khoa công nghệ; tin học ứng dụng (khoa khoa học tự nhiên); quản lý đất đai và khoa học môi trường (khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên). Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, từ năm 2000, trường đã được tổ chức của Bỉ tài trợ để xây dựng chương trình ĐTTX, nhưng đến năm 2009, trường mới mạnh dạn khởi động tuyển sinh các ngành ĐTTX, bởi trường phải chuẩn bị thật kỹ về tài liệu, giáo trình... nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tại Hội nghị đào tạo hệ giáo dục từ xa giữa Trường ĐHCT với các đơn vị liên kết, ông Nguyễn Văn Triều, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) Sóc Trăng, cho rằng: “ĐTTX ở ĐHCT triển khai chậm so với đơn vị khác, bởi hơn 10 năm trước đã có đơn vị khác triển khai loại hình này, nên ĐHCT có phần “lép vế” so với đơn vị khác. Song, cách quản lý, đào tạo ở Trường ĐHCT khá tốt so với các cơ sở giáo dục khác”. Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đồng tình quan điểm này. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, nói: “ĐHCT có nhiều ngành học đa dạng, khâu quản lý được cải tiến hơn. Giáo trình tài liệu có sự đầu tư, tâm huyết của người dạy. Trường ĐHCT nên mở thêm một số ngành học như Luật thương mại, Luật kinh tế, bằng 2 theo loại hình ĐTTX, vì vùng ĐBSCL đang rất cần cán bộ ở lĩnh vực này”.

Một khía cạnh khác, khiến các đại biểu quan tâm đề nghị là không nên xóa tên học viên, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo học chế tín chỉ ở hệ ĐTTX. Theo các đại biểu, đối tượng theo học các lớp ĐTTX phần lớn là những người đang đi làm nên việc học sẽ gặp nhiều hạn chế. Nếu quy định quá gắt gao sẽ khiến cho học viên “gãy gánh” việc học giữa chừng. Bằng chứng là 2 năm qua, chỉ tiêu tuyển năm 2010 là 5.000 học viên và 2.600 học viên cho năm 2011, nhưng đến nay trường chỉ tuyển được gần 4.500 học viên. So với chỉ tiêu tuyển, số lượng học viên theo học khá thấp. Ông Phạm Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tiền Giang, nói: “Đào tạo theo học chế tín chỉ, học viên có thể kéo dài thời gian học trong 8 năm, thay vì 4 năm. Như vậy, người học có thể nghỉ học, bảo lưu kết quả này. Nhà trường có thể quản lý danh sách người học mà không cần xóa tên”. Ông Nguyễn Văn Triều, Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng, đề nghị: Để đảm bảo duy trì số lượng học viên theo học, ĐHCT nên chăng ký biên bản ghi nhớ với UBND địa phương có cơ chế ràng buộc người học. Bởi phần lớn học viên theo học ĐTTX là cán bộ viên chức ở địa phương.

Lý giải cho nguyên nhân khiến học viên chưa “mặn mà” với các lớp ĐTTX, theo ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ- một trong số các đơn vị liên kết với ĐHCT có số lượng học viên cao nhất, đối tượng học ĐTTX là vừa làm vừa học, khoảng thời gian học bài không nhiều, do đó hình thức thi cử nên qui định đề mở phù hợp theo từng phân môn. Tài liệu học tập nên gửi đến lớp học sớm, ít nhất 2 tuần, thay vì 1 tuần; chương trình đào tạo thông qua mạng, giúp học viên chủ động hơn. Giảng viên không nhất thiết đến lớp học mà thông qua mạng Internet để dạy- học, như vậy sẽ đúng với tính chất ĐTTX. Theo ông Nguyễn Văn Triều, Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng, ĐHCT nên tăng cường thêm tài liệu, nhất là đĩa CD, có thể quay hình giảng viên dạy rồi ra đĩa CD để học viên học. Nếu cần thì trường đưa tài liệu lên mạng để học viên tải về học, như thế sẽ thu hút người học nhiều hơn.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã hiến kế nâng cao chất lượng ĐTTX, cũng như “giữ chân” và thu hút người học. Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho rằng: “ĐTTX nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, nếu xử lý không khéo thì chúng ta chỉ cung cấp tấm bằng nhưng không có kiến thức cho người học. Trong khi đó quan điểm của trường là mở ĐTTX là phải có chất lượng đào tạo - thương hiệu của ĐHCT”. Do đó, việc đề nghị không xóa tên học viên là không hợp lý, trường ĐHCT chấp nhận cho học viên bảo lưu, với điều kiện người học nghỉ học có lý do.

Rõ ràng, có nhiều vấn đề còn tranh luận về ĐTTX- vốn dĩ không mới đối với TP Cần Thơ và ĐBSCL và cũng không ít người băn khoăn về chất lượng đào tạo của loại hình đào tạo này. Tuy nhiên, những năm qua, việc đa dạng các hình thức đào tạo ở các trường, trong đó có hình thức ĐTTX đã giúp các địa phương đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí. Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, sắp tới, trường tiếp tục hoàn thiện, tăng cường tài liệu ghi hình, ghi tiếng và đưa bài giảng đưa lên mạng để học viên học tập dễ dàng. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nhấn mạnh: “Trường ghi nhận các ý kiến của các đơn vị để hoàn thiện hơn khâu tổ chức, giảng dạy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh đào tạo hình thức qua mạng; đào tạo theo tín chỉ và thu theo tín chỉ. Trường đang soạn thảo qui định mời cán bộ ở các sở, ngành giảng dạy trong Trường ĐHCT để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Bài, ảnh: NGỌC NGÂN

Chia sẻ bài viết