04/01/2018 - 20:02

Chăm lo đời sống đồng bào Khmer 

Việc thực hiện các chính sách đặc thù trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được quan tâm, thực hiện tốt. Các chính sách về đất ở, vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… tạo điều kiện cho hộ nghèo DTTS nâng cao đời sống, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung trên địa bàn huyện.

Trạm Y tế xã Ô Lâm vừa được xây dựng mới.

Thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg giai đoạn 2013-2015, về việc bổ sung các hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, 46 hộ có nhu cầu đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí giải ngân trên 1,5 tỉ đồng, nâng tổng số hộ được hỗ trợ hợp phần đất ở toàn huyện Tri Tôn lên 366 hộ.

Năm 2017, từ nhu cầu thực tế của địa phương, Phòng Dân tộc huyện tham mưu Thường trực UBND huyện rà soát, bổ sung 48 hộ ở xã Ô Lâm và 5 hộ ở xã Cô Tô có nhu cầu về đất ở, đang chờ giải quyết. Anh Chau Sum, ở ấp Phước Thọ, xã Ô Lâm, nói: “Nhờ được Nhà nước hỗ trợ cất nhà Đại đoàn kết và cho bò giống mà nhà tôi thoát nghèo”.

Chị Neáng Nan cũng ở ấp Phước Thọ, phấn khởi vì được hỗ trợ cất nhà trong khu dân cư, mẹ con chị có chỗ ở ổn định. Anh Nguyễn Tấn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho biết: “Sau khi được hỗ trợ đất ở và được cất nhà Đại đoàn kết, nhiều hộ DTTS nghèo đã cố gắng làm ăn để thoát nghèo. Đây cũng là tiền đề để xã thực hiện 2 tiêu chí nhà ở và tỷ lệ hộ nghèo khi xây dựng nông thôn mới”.

Trong 2 năm 2016-2017, huyện Tri Tôn rà soát, bổ sung cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 55.078 lượt đồng bào DTTS. Các trạm y tế trên địa bàn huyện được xây mới, nâng cấp, tạo điều kiện để thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế. Tại xã đặc biệt khó khăn Ô Lâm, trạm y tế xã là một trong những hạng mục hạ tầng đầu tiên được xây dựng mới. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng trạm Y tế cho biết: “Trạm đã thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe cho người dân, tăng cường giáo dục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, luôn chủ động phát hiện và kịp thời dập tắt các ổ dịch trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền vận động người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết, khai thông cống rãnh để muỗi không sinh sản. Công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt 100% theo kế hoạch...”.

Theo bà  Neáng Sóc Runh, Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tô, đội ngũ y bác sĩ đạt chuẩn, nhiệt tình cùng với cơ sở vật chất khang trang đã tạo được niềm tin cho người bệnh. Từ đó, việc thuyết phục người dân cùng tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia thuận lợi hơn. Tại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, các trạm y tế còn xây dựng được mạng lưới cộng tác viên là người dân tộc Khmer am hiểu thói quen, giao tiếp tốt với đồng bào dân tộc nên công tác vận động thuận lợi hơn.

Chị Neáng Chanh Đô Ra, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Núi Tô, nói: “Các chị phụ trách chi hội phụ nữ ấp cũng là những cộng tác viên y tế của ấp, nên các buổi tuyên truyền đều được lồng ghép. Chẳng hạn, khi triển khai họp các nhóm phụ nữ tiết kiệm, cộng tác viên y tế kết hợp triển khai vận động người dân ăn chín, uống sôi hay vệ sinh nhà cửa phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết...”.

Bà Neáng Sâm Bô, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tri Tôn, cho rằng, việc triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong vùng đông đồng bào dân tộc có sự đóng góp quan trọng của những người có uy tín ở địa phương.

Huyện đã thực hiện tốt Quyết định 56/2013/QĐ-TTg, về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2017, huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thăm, chúc Tết 85 lượt vị có uy tín; tổ chức thăm hỏi người có uy tín khi ốm đau…

Ngoài ra, UBND huyện còn tổ chức tập huấn các kỹ năng cơ bản trong công tác vận động, tuyên truyền; thông tin các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức đoàn các vị có uy tín trên địa bàn huyện đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh…

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết