21/10/2017 - 14:02

Chăm bồi nhân cách 

Nuôi dưỡng, chăm sóc về mặt thể chất, giúp con có thể trạng cao lớn, khỏe mạnh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm việc bồi dưỡng tâm hồn, vun bồi nhân cách để trẻ phát triển toàn diện.

Trẻ em cần được chăm lo, giáo dục phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: ĐAN NHƯ

Tuy phương pháp giáo dục của mỗi bậc phụ huynh khác nhau nhưng tựu trung đều mong con trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Anh Đỗ Duy Tuấn (quận Bình Thủy) quan niệm, dạy con nên bắt đầu từ những điều bình thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng thật sự tác dụng lớn. Anh Tuấn chia sẻ: “Đầu tiên, tôi dạy con sự lễ phép, lòng kính trọng người lớn; biết nói cảm ơn đối với người giúp đỡ mình và chia sẻ với người kém may mắn hơn mình”. Đây là những điều hầu hết bậc cha mẹ rất quan tâm dạy dỗ, bảo ban từ khi trẻ bắt đầu biết nói và thực hành những năm tháng đầu đời. Bên cạnh việc giáo dục của nhà trường, gia đình đóng vai trò quan trọng. Ngoài những giờ học trên lớp, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để dạy dỗ, uốn nắn trẻ. Chị P. (quận Ninh Kiều) tâm sự: “Ở trường, các con được học văn hóa, khoa học, đạo đức và các môn khác. Ở nhà, tôi dành thời gian quan tâm, chia sẻ và luôn chú ý rèn con tính tự lập và nhẫn nại. Tôi căn dặn các con làm việc gì cũng kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó; kiên trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu đặt ra”. 

Nhiều người cho rằng, tính cách trẻ ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, môi trường và xã hội. Trong đó, cha mẹ, gia đình đóng vai trò định hướng, có tác động tích cực đến trẻ. Chia sẻ vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng, dạy trẻ phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và thực hành xuyên suốt. Mỗi ngày dạy trẻ một điều tốt hoặc thấy trẻ sai quấy thì giải thích, khuyên bảo, thậm chí trách phạt để giúp các con hiểu và không tái phạm. Chị Lê Thu Lan (quận Cái Răng) tâm sự: “Trước đây, con tôi thường ương bướng, hay mè nheo, tranh giành đồ chơi với bạn. Thích món đồ chơi nào, bé đòi bằng được. Điều này khiến tôi phiền toái và ái ngại với chị hàng xóm”. Thế là, sau mỗi lần con chị “cầm nhầm” đồ chơi bạn về nhà, chị nhẹ nhàng khuyên: “Con làm vậy không đúng. Con mượn đồ chơi của bạn xong phải trả lại. Con cũng đâu vui khi bạn lấy đồ chơi của con...”. Cứ kiên trì khuyên bảo, dần dần con chị bỏ được thói quen xấu…

Xã hội phát triển hiện đại, bên cạnh tiếp thu, phát huy những giá trị văn minh tốt đẹp, có rất nhiều yếu tố tiêu cực tác động xấu đến trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không chỉ dạy mà cần hướng con cái thực hành những bài học đạo đức, điều hay lẽ phải. Chính cách sinh hoạt, ứng xử của cha mẹ, thầy cô, người lớn hằng ngày sẽ góp phần không nhỏ đến sự phát triển và hình thành nhân cách trẻ.

ĐAN NHƯ

Chia sẻ bài viết