12/07/2017 - 21:12

“Hòn đảo Cá Heo Xanh”

Câu chuyện phi thường về sự sinh tồn

Đoạt giải thưởng John Newbery (giải thưởng tác phẩm dành cho thiếu nhi xuất sắc nhất trong năm của Mỹ) năm 1961, "Hòn đảo Cá Heo Xanh" của nhà văn Scott O’Dell đã hấp dẫn bao thế hệ bạn đọc trên thế giới về nghị lực phi thường của cô gái sống một mình trên đảo suốt 18 năm. Truyện được viết trên nền một câu chuyện có thật nên càng thu hút sự quan tâm của độc giả. Sách do NXB Trẻ phát hành qua bản dịch của Vũ Chi và Lê Hân.

Đảo Cá Heo Xanh là có thật với tên gọi San Nicolas, nằm bên ngoài bờ biển California. Trong cuộc di cư của bộ tộc người da đỏ Ghalas-at, cô gái 12 tuổi Karana đã bị bỏ lại và sống một mình trên đảo từ năm 1835, cho đến khi người ta tìm thấy cô và đưa cô vào đất liền năm 1853. Dựa trên sự kiện này, nhà văn Scott O’Dell đã viết nên tác phẩm "Hòn đảo Cá Heo Xanh".

Ngay từ đầu, câu chuyện cuốn hút người đọc bằng cuộc xung đột đẫm máu giữa bộ tộc Ghalas-at với những người Nga đi tàu đến săn bắt rái cá, mà không chia phần cho người trên đảo như đã hứa. Cuộc chiến đã khiến hơn phân nửa số người trong bộ tộc thiệt mạng, trong đó có cha của Karana. Sau đó, cả bộ tộc quyết định di cư vào đất liền qua một chiếc tàu của người da trắng. Khi tàu nhổ neo, Karana phát hiện em trai 6 tuổi của mình vẫn còn trên đảo nhưng tàu không thể quay lại đón. Cô quyết định nhảy xuống biển, bơi trở về đảo, sống với em trai. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cậu bé bị lũ chó hoang trên đảo cắn chết. Karana bắt đầu chuỗi ngày sống cô độc với bao khó khăn, thách thức trên đảo...

Có thể nói, Karana như một phiên bản nữ của nhân vật Robinson trong tiểu thuyết nổi tiếng "Robinson trên đảo hoang" của nhà văn Daniel Defoe. Cũng cô độc một mình trên đảo, cũng vất vả kiếm cái ăn cái mặc, cũng trải qua những giây phút nguy hiểm, sinh tử khi đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú hoang hung tợn... Nhưng ở đây, người đọc tìm thấy sự bình yên, nét đẹp trong sáng, hướng thiện trong tâm hồn người con gái quả cảm. Từ một người mang trong lòng nỗi hận thù chỉ muốn giết sạch chó hoang trên đảo, Karana đã dần trở nên khoan dung, trắc ẩn và học được cách biết yêu thương. Cô làm bạn với cỏ cây, hoa lá, thú hoang, chim muông, rái cá... để xua tan sự cô đơn, quên đi nỗi đau buồn, ám ảnh trong quá khứ và nuôi hy vọng một ngày được sum họp với người thân, dân làng.

Những chương viết về tình cảm gắn bó của Karana với chú chó Rontu, tình bạn ngắn ngủi với cô gái trên chiếc tàu của những người thợ săn rái cá ghé đảo, là những trang viết đầy cảm xúc và nhân văn. Trong suốt 18 năm cô đơn trên đảo, Karana cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc, vui vẻ khi có người bầu bạn, sẻ chia. Dù sau đó cô gái đó cũng rời đi, chó Rontu cũng qua đời vì già yếu, Karana vẫn không vì thế mà mất đi niềm tin và hy vọng. Cách Karana kiên cường sống, vượt qua sợ hãi, cô đơn khiến mọi người phải nể phục và yêu mến. Trên hết chính là những giá trị tinh thần và nghị lực của nhân vật đã lan tỏa, tác động đến bạn đọc.

Trước khi đến với nghiệp cầm bút, Scott O’Dell từng là một quân nhân phục vụ cho lực lượng không quân Mỹ. Chính vì vậy, mỗi trang sách của ông dường như đều thấm đượm tư tưởng, chiêm nghiệm của một người lính sống sót và trở về sau thế chiến thứ hai. "Hòn đảo Cá Heo Xanh" là một trong hai tác phẩm tâm đắc nhất của ông trong sự nghiệp văn học, bên cạnh cuốn "Đường đến Damietta".

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết