06/08/2014 - 20:51

“CÁNH CHIM KIÊU HÃNH”

Câu chuyện lịch sử hấp dẫn

Trên nền một chuyện tình đẹp của đôi trai gái người Tày, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã tái hiện lịch sử chống Pháp của các dân tộc vùng cao Tây Bắc qua tiểu thuyết “Cánh chim kiêu hãnh”. Bản sắc văn hóa, tình yêu đôi lứa, lý tưởng cách mạng tạo nên tiểu thuyết lịch sử sinh động và hấp dẫn. Sách do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản quí I-2014.

"Cánh chim kiêu hãnh” tiếp tục mạch nguồn về đề tài dân tộc và miền núi quen thuộc của Đỗ Bích Thúy. Khác với những tác phẩm trước, bối cảnh câu chuyện là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng núi cao Hà Giang. Mai, cô gái dân tộc Tày từ nhỏ bị gán nợ làm tôi tớ cho nhà lý trưởng, được chàng thanh niên nghèo tên Chúng yêu thương, đổi cả đàn gia súc để chuộc cô về làm vợ. Hạnh phúc chưa bao lâu thì quân Pháp ập đến, đồng bào miền núi phải chịu cảnh “một ách hai tròng”, đói khổ liên miên. Chúng tham gia lực lượng Việt Minh, bị giặc bắt trong một đêm lén về thăm nhà. Anh bị giết và đầu bị treo ở chợ để thị uy. Mai gửi đứa con vừa tròn một tuổi cho mẹ chồng, đi theo cách mạng. Trong một trận đánh lớn tấn công vào đồn giặc, Mai bị thương nặng. Cận kề cái chết, cô thấy mình hóa thành một con đại bàng, với sải cánh dài, liệng trên bầu trời cao, một con đại bàng kiêu hãnh và không hề sợ hãi.

 

Từ những dòng đầu tiên, Đỗ Bích Thúy đã lôi cuốn người đọc dõi theo câu chuyện tình nhẹ nhàng, ấm áp, pha một chút hài hước của Mai và Chúng. Tình yêu của họ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài tác phẩm, được phát triển trong bối cảnh đau thương của đất nước. Xung quanh trục câu chuyện tình ấy, tình đồng bào, đồng chí, sự giác ngộ cách mạng, diễn tiến cuộc chiến cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công được dẫn dắt tự nhiên và phát triển hợp lý theo trình tự thời gian.

“Cánh chim kiêu hãnh” hấp dẫn người đọc với văn phong sinh động, lối kể chuyện gãy gọn, không rườm rà. Ở nhiều trường đoạn, tác giả lay động lòng người bằng sự tinh tế, giàu cảm xúc trong tả cảnh, tả tình. Đặc biệt, sự am hiểu về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc vùng cao cộng với sự nghiên cứu kỹ về lịch sử đấu tranh cách mạng nơi đây đã giúp tác giả hòa quyện hai yếu tố trên một cách nhuần nhuyễn, làm nền tảng chính để phát triển đường dây cốt truyện. Từ đó, đưa ra những chi tiết, hình ảnh đắt giá giúp người đọc thấu hiểu cảnh cùng khổ của đồng bào miền núi dưới sự cai trị, bóc lột dã man của thực dân Pháp và bọn cường hào ác bá…

Không đi sâu ca ngợi một hình mẫu anh hùng cách mạng, không sa vào kể những chiến công của nhân vật chính, “Cánh chim kiêu hãnh” tìm được sự đồng cảm của người đọc bởi câu chuyện về tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc một cách tự nhiên, linh hoạt và gần gũi với đời thường. Đặc biệt, hình tượng “cánh chim đại bàng kiêu hãnh” bay lượn trên bầu trời rộng lớn là hình tượng chung cho khát vọng tự do, cho những ước mơ hạnh phúc mà Mai và những người con của núi rừng đã hy sinh cả cuộc đời để vươn tới.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết