22/08/2010 - 09:12

Câu cá lạt - nghề mới của cư dân Hòn Chuối

Cá lạt được thương lái thu mua
tận nhà.

Mùa mưa năm nay, phần lớn cư dân ở đảo Hòn Chuối đã di cư vào bờ tránh bão, chỉ còn lại hơn 20 hộ bám trụ lại hòn, hy vọng trúng đậm mùa cá lạt. Mấy chuyến câu gần đây, ai cũng trúng “bể tay”...

Săn cá lạt

Trong căn nhà tềnh toàng vách thiết siêu quẹo, anh Kim Văn Của, cư dân sống trên đảo Hòn Chuối (vùng biển thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tranh thủ lùa vội mấy chén cơm chan với trà đá ăn kèm khô cá lạt. Gần đó, vợ anh vừa cắt cá mồi tóm vào dàn câu, vừa soạn lại đường câu và vận chuyển những thứ cần thiết xuống xuồng... Gần 10 ngày qua, anh Của cũng như nhiều cư dân sống trên đảo Hòn Chuối phải ăn cơm từ lúc 2 giờ chiều để kịp thời gian chuẩn bị mọi thứ cùng những bạn câu khác rời đảo ra biển câu cá lạt. “Năm nay bữa câu nào cũng được nhiều cá. Khuya nay vô bờ rồi tôi kể tiếp cho anh nghe” - anh Của vừa nói vừa bước vội vã xuống xuồng.

2 giờ khuya hôm đó, cả đảo nhộn nhịp còn hơn ban ngày. Người già, trẻ con... đều thức giấc. Họ truyền nhau những thông tin trúng luồng cá từ ngoài biển điện về. Xuồng ông Năm Chuẩn gần 9 triệu, ông Uẩn khoảng 5 triệu, xuồng anh Của 4 triệu... Họ không tính số lượng câu được bao nhiêu ký cá mà tính luôn ra thành tiền. Tất cả không giấu giếm, thẳng thắn và cởi mở đúng như bản chất của cư dân đảo. Cả đảo nhà nào cũng trúng cá, duy chỉ có 2 người đàn ông do cảm lạnh nên không ra biển hôm đó được nên bị các bà vợ “ca bài ca con cá”. Hôm nay trúng cá nên nhà nào cũng phấn khởi, họ thức đến sáng. Ông Út Tồn là thương lái mua cá lạt của cư dân đảo và cũng là người cung cấp cá mồi trong đất liền ra đảo phấn khởi, nói: “Năm nay cư dân Hòn Chuối trúng cá lạt hơn mọi năm. Mấy ngày nay tôi mua được nhiều hàng lắm. Cứ sáng cân cá xong cho tàu chạy vào thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân để bán lại cho vựa lớn, sau đó chở cá mồi ra cân lại cho họ, bình quân mỗi ngày thu mua được gần 2 tấn cá lạt. Giá cá lạt được chia làm 3 loại: Loại nhất từ 3 kg trở lên giá 20.000 đồng; loại nhì từ 2kg đến dưới 3 kg giá 15.000 đồng và loại 3 giá 10.000 đồng”.

Sau khi bán cá cho thương lái, các ông chồng ngồi ngay tại ghềnh lai rai vài xị đế, có nhóm sang hơn thì kêu luôn thùng bia 333 ra “lắc xê” với vài thứ mồi đạm bạc. Các bà vợ mừng vui nên nhiệt tình chong đèn ngồi soạn lại đường dây câu và tóm lại những lưỡi câu bị cá cắn đứt khi ăn mồi. Qua quan sát, người bán cá ít tiền nhất đảo hôm đó cũng được 2,8 triệu đồng, người cao nhất là 8,5 triệu đồng. Tất cả đều hoan hỉ...

Cần được đầu tư nhiều hơn

Gặp lại anh Của đang ngồi lai rai cùng bạn câu, anh cho biết: “Tuy là nghề mới nhưng hình thức câu cá lạt cũng khá đơn giản. Đường câu có một sợi dây dường bằng nhợ ni lông, cách khoảng 2 mét có nhánh tẻ bằng dây cước tóm lưỡi câu. Lưỡi câu cá lạt cũng giống như lưỡi câu cá lóc trong ruộng. Mỗi gắp câu khoảng 400 lưỡi câu, mỗi xuồng đi thường sử dụng từ 6 đến 12 gắp. Xuồng ra đến vị trí biển đã xác định thì mọi người tập trung vừa mắc mồi vừa thả câu xuống biển, khi thả hết số câu trên xuồng thì họ cho xuồng quay lại điểm đầu tiên được đánh dấu bằng cây phao có gắn đèn chớp màu xanh đỏ và kéo câu lên xuồng, bắt cá”.

Anh Kim Văn Dũng, bạn câu đi cùng anh Của, cho biết thêm: Cá lạt ăn ở tầm nước sâu, loại mồi câu chủ yếu là cá ba thú, cá đối. Nếu mồi câu là cá đối thì chỉ duy nhất cá lạt ăn, nhưng mồi câu là cá ba thú thì ngoài cá lạt còn có các loại khác ăn như cá trai, cá lù đù, cá mú... Minh chứng cho lời giải thích của anh Dũng là những xuồng nào câu bằng mồi cá đối thì hoàn toàn không có một loại cá khác lẫn vào. Là loại ăn “hổn” nên khi cắn câu, cá lạt thường nuốt luôn vào bụng vì vậy khi kéo câu lên dính cá, người kéo câu thủ sẵn con dao nhỏ để cắt luôn đoạn dây cước đó”.

Qua tìm hiểu, nghề câu cá lạt chỉ mới phát triển khoảng 2 năm gần đây ở đảo Hòn Chuối. Thời gian câu được nhiều cá thường tập trung từ đầu tháng 8 đến gần cuối tháng 9 dương lịch hàng năm. Phần lớn cư dân sống nghề này thả câu ở khu vực gần hòn Hàn, thuộc cụm đảo Hòn Chuối, xuồng đi xa nhất cách đảo 7 hải lý, gần nhất khoảng 3 hải lý. Ông Năm Chuẩn, người có kinh nghiệm đi biển lâu năm trên đảo, cho biết: “Nhà nào có phương tiện đi câu, ngoài số gắp câu của mình, chủ xuồng còn cho 1 - 2 bạn câu khác không có xuồng đi nhờ, khi kéo câu lên dính cá họ dùng dao cắt một nhát xéo gần đầu hoặc gần đuôi cá để đánh dấu (gọi là cá bạn). Khi bán thì họ cân riêng, nếu bán được nhiều tiền thì họ góp một phần nhiên liệu cho chuyến đi tiếp theo. Nhờ tạo điều kiện cho đi nhờ xuồng mà nhiều gia đình hiện đã có công ăn việc làm, cuộc sống đỡ phần vất vả hơn trước rất nhiều”.

Trung tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Hòn Chuối, cho biết: Câu cá lạt chỉ là nghề mới tự phát vì câu theo mùa, thời gian còn lại, cư dân ở đảo làm các nghề khai thác hải sản khác bằng lưới, hoặc đi câu mực. Nhưng phương tiện phục vụ khai thác của bà con còn quá nhỏ, mỗi chiếc chỉ có tải trọng từ 1,5 đến 4 tấn, trang thiết bị an toàn cho người còn quá sơ sài, chủ yếu liên lạc bằng điện thoại di động loại rẻ tiền, nên khá nguy hiểm khi gặp sự cố sóng to, gió lớn. Nếu được Nhà nước đầu tư những phương tiện phù hợp với khả năng khai thác của họ, tin rằng bà con sẽ làm ăn hiệu quả hơn bây giờ rất nhiều, cuộc sống cũng chuyển biến theo hướng tích cực hơn”. Đó cũng chính là nguyện vọng của những người bám đảo - giữ biển ở nơi đây. Bởi, nếu được quan tâm hỗ trợ đầu ghe thuyền tốt hơn, an toàn hơn sẽ hình thành được nhóm thợ câu nhiều người tham gia, năng suất cao hơn, giảm được chi phí sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho dân câu. Họ mong muốn được hỗ trợ vay tiền với lãi suất thấp giống như hình thức nông dân ở đất liền vay làm nông nghiệp để khai thác biển tốt hơn, có nhiều cơ hội đổi đời trên đảo Hòn Chuối...

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết