28/09/2009 - 20:51

Cao đẳng cộng đồng-
“đường vòng” vào đại học

Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Carolina (Mỹ) học thực hành nhiều hơn nghiên cứu.
Ảnh: cccc.edu

Nếu như các trường đại học Mỹ yêu cầu đầu vào khá cao với điểm TOEFL, GREE, SAT... thì các trường cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) lại khá thoáng. Nhiều sinh viên Mỹ, sinh viên quốc tế đã khởi đầu chương trình cử nhân của mình tại các trường CĐCĐ, bởi với chương trình liên thông, sinh viên tốt nghiệp CĐCĐ có thể chuyển sang học năm thứ 3 của các trường đại học hệ 4 năm.

* CĐCĐ: nhiều ưu thế

Tuy không thể sánh với các trường đại học nhưng CĐCĐ là một trong những lựa chọn phổ biến của du học sinh Việt Nam khi sang Mỹ du học. Ưu điểm đầu tiên có thể nhận thấy là học phí của các trường CĐCĐ thường thấp hơn các trường đại học hệ 4 năm. Vì vậy, thủ tục chứng minh tài chính khi làm visa sẽ nhẹ nhàng hơn. Du học sinh có thể học 2 năm tại CĐCĐ, sau đó chuyển tiếp lên học 2 năm cuối tại các trường đại học hệ 4 năm. Theo cách này có thể giúp du học sinh tiết kiệm khoảng 15.000- 17.000 USD học phí so với học 4 năm tại trường đại học. Các trường CĐCĐ thường được tài trợ từ ngân sách liên bang, ngân sách tiểu bang và nguồn thu thuế của địa phương nên dù có áp dụng mức học phí riêng đối với sinh viên quốc tế thì vẫn rẻ hơn so với học phí đại học.

Điều kiện đầu vào của các trường CĐCĐ cũng tương đối thấp và ít cạnh tranh hơn so với các trường đại học. Nhiều trường CĐCĐ chỉ yêu cầu du học sinh có bằng tốt nghiệp THPT và trên 17 tuổi (tính đến thời điểm nộp đơn), không yêu cầu điểm TOEFL. Trong khi đó, các trường đại học thường đòi hỏi du học sinh phải có TOEFL iBT ít nhất là 80, nhiều trường còn yêu cầu điểm SAT tối thiểu là 1500.

Đặc điểm của các trường CĐCĐ là sĩ số lớp nhỏ. Nhờ đó, du học sinh được giáo viên quan tâm đến quá trình học tập nhiều hơn. Các trường CĐCĐ tập trung vào thực hành chứ không phải nghiên cứu. 2 năm học tại CĐCĐ là giai đoạn chuyển tiếp rất cần thiết cho phần lớn du học sinh Việt Nam vốn chưa quen với lối học đại học ở Mỹ: chủ động trong học tập, khuyến khích suy nghĩ có chọn lọc và phê phán. Đặc biệt, đối với những chuyên ngành: Y, Dược, Luật, Nha, Kiến trúc..., các trường CĐCĐ sẽ cung cấp các khóa dự bị (như pre-nursing, pre-dental, pre-law...) để du học sinh có cơ sở đi sâu hơn vào chuyên môn tại các trường đại học chuyên ngành. Tuy nhiên, du học sinh nên tham khảo trước, xem trường đại học nào chấp nhận chuyển tiếp toàn bộ hay một phần các tín chỉ đã học tại CĐCĐ, thông qua các thỏa thuận chuyển tiếp giữa các trường.

Tại bang Washington có nhiều trường CĐCĐ có “chương trình kép” thu nhận học sinh VN vừa tốt nghiệp lớp 10 hoặc lớp 11 với điểm trung bình toàn năm đạt từ 6.5 hoặc 7 điểm trở lên và đủ 16 hoặc 17 tuổi. Theo học chương trình này, sau 2 năm, du học sinh vừa hoàn tất chương trình THPT, vừa tốt nghiệp CĐCĐ.

* Cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn

CĐCĐ Mỹ là hệ thống chiêu sinh đầu vào “mở”, tạo điều kiện cho mọi đối tượng có thể vào học. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ai cũng có thể vào bất cứ trường CĐCĐ nào. Khác với các trường đại học, thay vì khước từ những người không đạt điều kiện đầu vào, trường CĐCĐ sẽ tạo điều kiện cho họ. Du học sinh chưa có điểm SAT đạt chuẩn và điểm TOEFL tối thiểu, vẫn được nhận vào trường với điều kiện phải chứng tỏ khả năng Anh ngữ của mình được cải thiện sau một khóa học tiếng Anh chuyên sâu. Hầu hết các trường CĐCĐ đều có trung tâm Anh ngữ nhằm cung cấp các kỹ năng tiếng Anh cần thiết cho việc học tập ở bậc đại học của sinh viên quốc tế. Ngoài ra, còn có những lớp “bridging courses”- vừa dạy tiếng Anh vừa kết hợp học một số tín chỉ ban đầu của năm đầu đại học- giúp du học sinh rút ngắn thời gian học tập chính khóa và tiết kiệm chi phí học tập.

Thực tế, không phải tín chỉ nào ở CĐCĐ cũng được các trường đại học chấp nhận. Có chương trình liên thông đến 80% tín chỉ với đại học, nhưng khi lên “tuyến trên”, chỉ có hơn 50% tín chỉ của CĐCĐ được chấp nhận. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố mà du học sinh cần cân nhắc khi theo học CĐCĐ. Thứ nhất, học CĐCĐ, du học sinh có rất ít cơ hội nhận học bổng và các hình thức trợ giúp tài chính khác so với các trường đại học hệ 4 năm, đặc biệt là so với các trường đại học tư thục vốn đa dạng về nguồn học bổng và hỗ trợ tài chính. Thứ hai, hầu hết các trường CĐCĐ không có khu ký túc xá cho sinh viên tại trường. Vì vậy, du học sinh phải chọn loại hình lưu trú cùng gia đình bản xứ (homestay) nếu không có bạn bè hoặc thân nhân tại chỗ. Đối với các trường đại học không có thỏa thuận chuyển tiếp với CĐCĐ, du học sinh muốn vào học thì phải đạt kết quả tốt nghiệp tại CĐCĐ thật xuất sắc.

Tóm lại, nếu du học sinh chưa tự tin hoàn toàn về khả năng tiếng Anh, học lực và kỹ năng học tập cũng như điều kiện tài chánh không dồi dào để vào thẳng trường đại học hệ 4 năm thì CĐCĐ là lựa chọn phù hợp nhất. Gần 50% sinh viên Mỹ khởi đầu chương trình cử nhân của họ tại các trường CĐCĐ.

LÊ TUẤN

Chia sẻ bài viết