25/05/2016 - 09:15

Cạnh tranh hành lang chiến lược

Ấn Độ vừa ký kết với Iran và Afghanistan thỏa thuận "hợp tác tay ba", phát triển hành lang trung chuyển hàng hóa Bắc-Nam. Thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến lớn không chỉ giúp thúc đẩy thương mại giữa 3 nước tham gia trực tiếp, mà còn mở ra triển vọng hợp tác xa hơn với nhiều nước bên ngoài, đồng thời có thể cạnh tranh với "Con đường Tơ lụa mới" đầy tham vọng của Trung Quốc.

Lễ ký kết diễn ra tại Thủ đô Tehran của Iran, quốc gia vừa thoát khỏi lệnh cấm vận nghiêm ngặt của phương Tây sau khi đạt được thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani tuyên bố: "Hôm nay là một ngày trọng đại và có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của mối quan hệ giữa 3 nước chúng ta".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hoan hỉ rằng "thỏa thuận có thể làm thay đổi dòng chảy lịch sử trong khu vực và giúp 3 nước xây dựng tình láng giềng hữu nghị lành mạnh theo nguyện vọng chính đáng của tất cả chúng ta". "Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự sáng tạo của lịch sử, mở ra những con đường mới vì hòa bình và thịnh vượng chung của 3 nước"- nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh.

Tuyến hành lang giao thông từ cảng Chabahar, miền Nam Iran, sẽ giúp Afghanistan có thêm con đường mới đi ra Ấn Độ Dương, thay vì phụ thuộc con đường độc đạo ở Pakistan. Thủ tướng Modi nói với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rằng hành lang này mở ra cho Afghanistan "con đường thương mại được đảm bảo, có hiệu quả và mang tình hữu nghị với phần còn lại của thế giới". Hành lang giao thông mới có ý nghĩa sống còn đối với đất nước không có tuyến đường độc lập như Afghanistan và nó được coi là cơ hội để nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào Pakistan, đồng thời có thể làm thay đổi dạng thức và cục diện địa chính trị khu vực.

Tầm quan trọng của cảng Chabahar và tuyến giao thông 3 nước còn đặc biệt hơn đối với New Delhi, bởi nó giúp Ấn Độ tiếp cận Afghanistan, Trung Á, Đông Âu và Nga trên Tuyến hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam. Hiện nay, mọi nỗ lực của Ấn Độ nhằm tiếp cận Afghanistan và Trung Á bị cản trở bởi đối thủ nhiều duyên nợ Pakistan. Đây là lý do Ấn Độ cam kết đầu tư 500 triệu USD phát triển cảng chiến lược Chabahar, đồng thời hợp tác xây dựng các dự án có liên quan khác trị giá 300 triệu USD tại đây. Với tư cách là người đứng đầu chính phủ Ấn Độ đầu tiên thăm Iran trong hơn một thập niên qua, Thủ tướng Modi mô tả dự án này đánh dấu "chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược" giữa Ấn Độ và Iran.

Với Iran, các thỏa thuận trên nằm trong kế hoạch phát triển cảng Chabahar trên Vịnh Oman thành trung tâm thương mại mang tầm khu vực, được Tehran khởi xướng từ đầu những năm 1970, trước khi nổ ra cách mạng Hồi giáo năm 1979, rồi chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) đến chính sách trừng phạt của phương Tây vì vấn đề hạt nhân sau này.

Cảng Chabahar nằm không xa cảng Gwadar trên hành lang kinh tế lên đến 46 tỉ USD thuộc "Con đường Tơ lụa" Á-Âu mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra và đang tìm cách triển khai, vốn được dự báo là có thể "vẽ lại" bản đồ địa chính trị khu vực và bị Ấn Độ phản đối vì dính líu đến vùng Kashmir đang tranh chấp với Pakistan.

KIẾN HÒA (Theo SWJ, al-Jazeera, Etimes)

Chia sẻ bài viết