17/06/2018 - 09:57

Cảnh giác với “quà” công nghệ cao từ Trung Quốc 

Trong 5 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã tặng máy tính và thiết bị công nghệ thông tin cho chính phủ tại hơn 35 quốc gia trên khắp thế giới. Những món quà này đã được các nghị viện, đảng phái chính trị, cơ quan chính phủ cũng như cơ quan cảnh sát từ châu Phi đến Thái Bình Dương, từ Đông Nam Á đến Đông Âu và vùng Caribe sử dụng.

Đại sứ Trung Quốc Tôn Vệ Đông (thứ 2 bên phải) ký thỏa thuận trao 330 thiết bị điện tử cho Pakistan. Ảnh: Apdnews

Tuy nhiên, nơi nhận những món quà kỹ thuật số của Trung Quốc thường là những nước không có năng lực an ninh mạng tiên tiến để phát hiện ra rằng liệu chúng có được sử dụng vì mục đích gián điệp hay không. Ví dụ như Tonga, quốc đảo nhỏ bé này đã nhận được máy tính, máy in và các thiết bị khác từ Đại sứ quán Trung Quốc vào năm 2014, thời điểm mà họ không có năng lực an ninh mạng quốc gia, không có đơn vị an ninh mạng chính thức, không có chính sách cũng như chiến lược nào về vấn đề này. Mãi đến năm 2016, Tonga mới thành lập Đội ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia. Nhưng Tonga vẫn còn đỡ hơn Malawi, quốc gia đã nhận gói thiết bị trị giá 760.000 USD từ Trung Quốc. Theo tờ Wired, Trung Quốc bị tố bóc lột Malawi, một trong những nước nghèo nhất thế giới và không có cơ quan an ninh mạng quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Song, điều rõ ràng là các món quà tặng của Trung Quốc đều đi kèm theo các lợi ích về kinh tế, chính trị và địa chính trị. Chẳng hạn, Quốc hội Pakistan hồi năm 2017 đã nhận được 330 thiết bị từ Đại sứ quán Trung Quốc, gồm máy tính xách tay, máy tính bàn, máy quét, máy in và máy chiếu. Tại lễ bàn giao, Đại sứ Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã bày tỏ hy vọng  “hai bên tiếp tục triển khai các nỗ lực chung để thúc đẩy xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước”.

Các lợi ích kinh tế ở nước ngoài của Trung Quốc có lẽ được thể hiện rõ nhất ở châu Phi, nơi Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất khi đổ hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên trên khắp lục địa đen, trong đó gồm hàng triệu USD  quà tặng cho các chính phủ và đảng phái chính trị. Tuy nhiên, đây không phải là những món quà đơn thuần. Hồi tháng 1-2018, tờ Le Monde của Pháp đã công bố một báo cáo, trong đó tố Chính phủ Trung Quốc tặng cho Liên minh châu Phi (AU) một hệ thống máy tính có thể bí mật gửi dữ liệu về các máy chủ ở Thượng Hải vào ban đêm. Song, Bắc Kinh đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng báo cáo này can thiệp vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và AU.

Ngoài ra, các nước khác như Campuchia, Serbia, Sri Lanka, Lào, Nigeria, Mauritius và Seychelles đều nhận “quà” từ Trung Quốc.

Các món quà của Trung Quốc được gửi đi trong bối cảnh phương Tây triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn các thiết bị do Trung Quốc sản xuất lọt vào các khu vực nhạy cảm của chính phủ và quân đội của họ. Các cơ quan an ninh Canada, Úc, Mỹ và Anh từng cảnh báo các thiết bị do Trung Quốc sản xuất có thể được các cơ quan tình báo Trung Quốc dùng để thu thập thông tin bí mật. Cụ thể, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh cho biết việc sử dụng các thiết bị do công ty công nghệ Trung Quốc ZTE sản xuất sẽ tạo ra “nguy cơ an ninh quốc gia”, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ thì cấm việc kinh doanh điện thoại của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE tại các căn cứ quân sự của Mỹ. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc tuyên bố các điện thoại do Trung Quốc sản xuất “có thể mang lại rủi ro khôn lường cho nhân viên, thông tin và nhiệm vụ” của họ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Úc cũng “nói không” với các điện thoại do Huawei và ZTE sản xuất.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết