27/09/2017 - 15:23

Cảnh giác để tránh sập bẫy 

Gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Cần Thơ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đối với các vụ án liên quan, cơ quan chức năng đưa ra xét xử công khai kết hợp tuyên truyền để mọi người nhận biết thủ đoạn của các đối tượng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều bị hại sập bẫy.

Công an TP Cần Thơ đang thụ lý vụ án lừa đảo liên quan cựu trung tá công an (đã bị ra khỏi ngành) tên Huỳnh Thanh Hoàng (ngụ quận Bình Thủy, dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt trên 500 triệu đồng. Trước đây, Hoàng “nổ” quen biết nhiều sếp lớn, có thể xin việc trong ngành công an. Tin lời, một số bị hại ở huyện Thới Lai, huyện Phong Điền gom góp tiền đưa cho Hoàng. Đợi lâu không thấy kết quả, tìm Hoàng không gặp, bị hại làm đơn tố giác.  Qua xác minh, Hoàng đã đi khỏi địa phương.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều vừa ra thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo, đối tượng liên quan là La Thế Lượng (SN 1989, ngụ quận Thốt Nốt). Lượng giả là quản lý bộ phận tuyển dụng nhân sự của một tập đoàn lớn và Khách sạn TTC Ninh Kiều, lừa gạt những người có nhu cầu xin việc. Đối tượng tra cứu website tìm việc làm, lấy số điện thoại gọi cho các ứng viên, hẹn nhận hồ sơ và đóng tiền (298.000 đồng) để mua đồng phục, sau đó chặn các số này. Bước đầu xác định có 6 nạn nhân mất tiền vì trót tin lời hứa hão của Lượng.

Cũng với thủ đoạn lừa đảo người tìm việc, La Hoàng Mẫn (SN 1994, ngụ quận Cái Răng) bị Công an quận Ninh Kiều đề nghị viện kiểm sát truy tố về tội danh này. Trước đây, lợi dụng nhu cầu sinh viên tìm mối dạy kèm, Mẫn lên mạng xã hội lập Trung tâm gia sư Hưng Thịnh, giới thiệu việc làm, thu hoa hồng.

Để tạo lòng tin, Mẫn thường hẹn gặp các ứng viên ở khuôn viên trường đại học, đưa giấy giới thiệu đi dạy do Mẫn tự làm, ký tên (giả tên người khác), mỗi trường hợp thu phí từ vài trăm đến triệu đồng. Khi sinh viên tìm không có địa chỉ ghi trong giấy giới thiệu, liên lạc với Mẫn cũng không được, biết mình bị lừa, một số sinh viên trình báo cơ quan chức năng. Một lần đang nhận tiền bị hại, Mẫn bị công an bắt quả tang.  

Trần Văn Út ngồi ủ rũ trong xe phạm, chuẩn bị về trại giam thụ án 13 năm tù tội lừa đảo. Ảnh: KIỀU CHINH

Hiện thủ đoạn thuê ô tô rồi cầm cố, đem bán xảy ra phổ biến. Mới đây, Trần Văn Út (SN 1989, ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt 13 năm tù tội lừa đảo, buộc bồi thường hơn 400 triệu đồng cho các bị hại. Làm nghề tài xế, Út quen nhiều nơi cho thuê ô tô ở các tỉnh, thành.

Thấy việc thuê ô tô đơn giản, chủ xe dễ dàng giao xe và giấy tờ, Út lên kế hoạch kiếm tiền bằng cách thuê xe rồi chiếm đoạt. Bị cáo thuê ô tô của ông P. (quận Ninh Kiều) giá 700.000 đồng/ngày, rồi đem đến tỉnh An Giang nhờ người đi cầm, lấy 250 triệu đồng tiêu xài. Sau đó, Út thuê ô tô của anh L. (quận Ninh Kiều).

Do hết xe, anh L. hỏi xe người bạn cho Út thuê 10 ngày. Có phương tiện, Út mang xe đến cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang), nhờ người mang sang Campuchia cầm với giá 7.000 USD, rồi ôm tiền biệt dạng. Ngoài 2 vụ trên, Út còn lừa đảo nhiều vụ khác ở tỉnh Đồng Tháp. Biết không thể trốn tránh mãi, Út ra đầu thú. Tại tòa, Út phải trả giá thích đáng cho lòng tham, xem thường pháp luật với bản án 13 năm tù.

Một lãnh đạo Công an quận Ninh Kiều nhận định, tội phạm lừa đảo hiện rất tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn để gây án, mạo nhận là công an, cán bộ để lừa chạy xin việc, xin điểm, chuyển trường; hoặc gọi điện thoại hù dọa liên quan các vụ án, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, sau đó rút hết.

Có vụ giả người quen bị hại kêu gọi đóng góp, mượn tiền chữa bệnh; sử dụng giấy tờ giả như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, hộ khẩu… ký hợp đồng vay tín dụng trả góp một số công ty tài chính, sau đó ôm tiền bỏ trốn.

Trong quan hệ làm ăn, giao dịch, người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ các thông tin, nếu phát hiện nghi vấn nhanh chóng báo cơ quan chức năng xử lý.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết