11/04/2012 - 21:45

Cánh đồng mẫu lớn - Con đường hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo

Thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012 trên CĐML ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An,
huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động phong trào xây dựng mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở các địa phương vùng ĐBSCL để nâng cao chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt. Mô hình với sự liên kết “4 nhà” này đã gặt hái được một số thành quả nhất định trong giai đoạn đầu. Tuy vẫn còn khó khăn, nhưng sự nỗ lực và quyết tâm của các bên tham gia CĐML cho thấy con đường hiện đại hóa nền nông nghiệp đang đi đúng hướng...

* PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT:
CĐML GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN LỢI NHUẬN CHO NGƯỜI TRỒNG LÚA

Mô hình CĐML được phát động và nhân rộng đúng vào thời điểm sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi phải được tổ chức, sắp xếp lại sao cho vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, giải quyết rốt ráo bài toán thu nhập cho người trồng lúa. Mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng thuận từ “4 nhà” cho thấy CĐML là giải pháp tối ưu trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

CĐML hình thành một quan hệ sản xuất mới phù hợp với thực tiễn sản xuất và điều kiện cụ thể của những vùng sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trong đó, mối liên kết “4 nhà” được nhận diện rõ nét hơn, vai trò chính là việc thu mua lúa của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo. Bởi bao tiêu lúa là khâu then chốt để mô hình CĐML tồn tại, phát triển. Đây cũng là điểm xuất phát để xây dựng vùng nguyên liệu lúa phục vụ xuất khẩu với sản lượng lớn, chất lượng đồng nhất. Trong CĐML, các tác nhân tham gia đều được thụ hưởng những lợi ích cao nhất mà mô hình mang lại. Trên cơ sở phát triển, CĐML sẽ từng bước dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ...

Bên cạnh đó, sản xuất lúa trong CĐML là điều kiện để nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, từng bước rút ngắn sự chênh lệch về năng suất, góp phần nâng cao năng suất bình quân toàn vùng. Đây cũng là điều kiện để gia tăng chất lượng lúa gạo, làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt.

* TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long:
CĐML- NÔNG HỘ NHỎ TRÊN CÁNH ĐỒNG LỚN

Yêu cầu tất yếu cho sản xuất lúa của vùng ĐBSCL là phải hình thành những vùng nguyên liệu từ vài ngàn đến vài chục ngàn héc-ta để đủ sức cung ứng cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác trên nông hộ của vùng lại manh mún, quy mô nhỏ, giá trị gia tăng thấp, những nông dân có diện tích đất canh tác ít cần được tập hợp lại để hình thành những CĐML. Trên cánh đồng này, nông dân sử dụng cùng một loại giống, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp, tạo ra hạt lúa có chất lượng đồng nhất với sản lượng lớn. Qua đó, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị đầu ra cho hạt lúa.

Song, muốn mô hình CĐML phát triển đồng bộ, bên cạnh sự định hướng của Nhà nước, cần trợ lực cho DN nhằm đảm bảo đầu vào lẫn đầu ra, nhà khoa học sẽ hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình canh tác hiện đại. Đặc biệt, khâu chọn tạo và chuyển giao các giống lúa mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo các yêu cầu về năng suất, phẩm chất sẽ từng bước nâng cao giá trị hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.

* Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang: DOANH NGHIỆP ĐÓNG VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH

An Giang có sản lượng lúa lớn nhất ĐBSCL, tỉnh đã đưa ra chủ trương liên kết “4 nhà” từ rất sớm và đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa DN -nông dân như: mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu của Công ty Xuất nhập khẩu An Giang - ANGIMEX, Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang- AGPPS... Trong đó, mô hình CĐML là bước tiếp nối Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thu mua nông sản hàng hóa theo hợp đồng và Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo để đưa nền sản xuất lúa của tỉnh chuyển mình theo hướng hiện đại hóa.

Mô hình CĐML của tỉnh An Giang tập trung vào việc ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân. DN giữ vai trò quyết định cuối cùng để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, nếu khâu này “tắt” thì toàn bộ chuỗi liên kết bị trì trệ. Vì vậy, Nhà nước sẽ song hành cùng DN bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực để DN phát huy vai trò của mình. Nhằm tạo cơ hội để DN phát triển vùng nguyên liệu lúa phục vụ cho chế biến xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang triển khai đề án phát triển 4 triệu tấn kho với cụm kho-sấy-xay xát-lau bóng liên hợp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 18 DN đăng ký tham gia 66 dự án xây dựng kho chứa lúa gạo, với tổng sức chứa khoảng 600.000 tấn. Khi được Nhà nước tiếp sức, bản thân DN phải đề ra chiến lược kinh doanh bài bản, có bước đi căn cơ để làm tròn vai trò quyết định của mình trong CĐML.

* Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang-AGPPS:
CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU

Từ cuối năm 2010 đến nay là giai đoạn phát triển đặc biệt đối với AGPPS, công ty đã đi đến khâu cuối cùng của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp là chế biến và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Với quy trình sản xuất tiên tiến, khép kín từ đồng ruộng cho tới bàn ăn, hạt gạo làm ra sẽ có được thương hiệu. Bằng lợi tức mang lại từ toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, công ty hoàn toàn có thể chủ động tính toán, phân chia lại lợi nhuận công bằng, hợp lý đối với bà con nông dân. Hiện công ty đang nỗ lực triển khai chương trình đầu tư, thu mua và chế biến lúa gạo thông qua việc xây dựng các vùng nguyên liệu lúa và 4 nhà máy chế biến, xuất khẩu gạo tại An Giang và một số tỉnh như: Đồng Tháp, Long An...

Công ty tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu, ký hợp đồng thu mua lúa, ứng trước toàn bộ vật tư (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) cho nông dân không tính lãi trong vòng 120 ngày (tính từ đầu vụ đến sau khi thu hoạch 30 ngày). Các FF (Farmer’s Friend-FF, Bạn nhà nông) trực tiếp hướng dẫn qui trình canh tác trên đồng. Khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí đóng gói, vận chuyển về nhà máy, sấy và lưu kho miễn phí trong vòng 30 ngày và được quyền đăng ký giá bán. Khi giá niêm yết bằng với giá đăng ký, nhà máy sẽ cùng nông dân thanh lý hợp đồng. Với cách làm này, công ty đã được bà con nông dân hết lòng ủng hộ và chính quyền các cấp, ban ngành đánh giá cao. Đây là bước đột phá trong việc hình thành mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp, từng bước cùng nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giảm chi phí đầu tư. Làm ăn theo lối mới, nông dân đã giành lại quyền chủ động trong việc bán lúa, tránh được nỗi lo “được mùa, rớt giá” và có thể làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng của mình.

* Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ:
NÔNG DÂN PHẤN KHỞI VÌ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH GIÁ BÁN

TP Cần Thơ chọn Tổ hợp tác Đồng Vạn làm điểm chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình CĐML của thành phố, các tổ viên rất đồng tình ủng hộ. Tổ được DN đầu tư giống, phân bón, vật tư nông nghiệp... và chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu, thỏa thuận cụ thể về tiêu chí thu mua, nông dân không còn sợ bị ép giá. Khi tham gia CĐML, nhờ xuống giống đồng loạt, đưa cơ giới hóa và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật một cách đồng bộ, nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, năng suất lúa tăng rõ rệt. Cụ thể, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 2-4 lần/vụ, năng suất đạt 7,78 tấn/ha, tăng 4,6% so với nông dân sản xuất ngoài mô hình và tăng 7,46% so với trước khi tham gia mô hình.

Trước đây, nông dân làm lúa chủ yếu phải vay mượn hoặc ứng trước chi phí mua phân thuốc ở các đại lý vật tư nông nghiệp. Do vậy, thu hoạch xong là bán ngay để trang trải các khoản vay mượn, nhưng giá bán phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường thời điểm bán và nhiều khi bị ép giá cũng phải bán. Còn qua 2 vụ thực hiện thí điểm mô hình CĐML, những khó khăn này dần được giải quyết, đời sống của nông dân trong Tổ hợp tác Đồng Vạn có nhiều khởi sắc. Đây cũng là động lực thúc đẩy các hộ ngoài mô hình tự nguyện tham gia vào CĐML, xóa bỏ tập quán canh tác nhỏ lẻ để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.

MỸ THANH (lược ghi)

Thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012 trên CĐML ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

Chia sẻ bài viết