14/04/2018 - 15:37

Cánh cửa hội nhập ở Bảo tàng Cần Thơ 

Bảo tàng là nơi lưu giữ và quảng bá truyền thống lịch sử - văn hóa của một vùng đất. Ý thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Bảo tàng TP Cần Thơ nỗ lực thay đổi trưng bày, sưu tầm hiện vật và sáng kiến nhiều phương thức hoạt động mới để phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, với việc thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế, Bảo tàng Cần Thơ đang mở rộng cánh cửa hội nhập.

“Tự thân vận động”

Bảo tàng Cần Thơ khánh thành từ năm 2001 nên hiện nay, một số điểm, gian trưng bày đã xuống cấp hoặc nội dung chưa cập nhật. Đơn vị đã tự thân vận động chỉnh sửa để tạo thuận tiện cho khách tham quan. Hiện tại, một số hạng mục của gian long trọng, khu đình thần Nam bộ, khu trưng bày Cần Thơ xưa và nay, khu văn hóa Óc Eo đang được Bảo tàng sửa chữa, chỉnh lý phù hợp. Cụ thể, các bản đồ: địa giới, dân tộc, sông ngòi... sẽ được cập nhật. 9 quyển sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ được làm mới phân chia theo 9 quận, huyện của TP Cần Thơ. Gian văn hóa Việt tại Bảo tàng vừa được thay mới, trưng bày lại theo hướng thoáng đãng, dễ theo dõi.

Thuyết minh viên Bảo tàng Cần Thơ hướng dẫn học sinh tham quan Bảo tàng. Ảnh: DUY KHÔI

Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Bảo tàng Cần Thơ, cho biết: toàn bộ hệ thống cửa gỗ, lam đồng và lộc bình phía trước Bảo tàng cũng sẽ được chỉnh trang mới bên cạnh việc cập nhật thêm hình ảnh và các công trình trọng điểm của TP Cần Thơ những năm gần đây. Bà Nhung thông tin, hiện Bảo tàng đã trình kế hoạch chỉnh lý toàn bộ Bảo tàng theo hướng hiện đại, hấp dẫn du khách và đang chờ phê duyệt. Trong thời gian chờ đợi, Bảo tàng đã tự chỉnh sửa, khắc phục những lạc hậu, xuống cấp bằng nguồn lực của đơn vị. Ví dụ như gian mô phỏng đình thần Nam bộ, những xuống cấp ở nền, mái… đã được đơn vị cho gia cố kịp thời, đảm bảo an toàn cho khách tham quan.

Được biết, trong kế hoạch chỉnh lý toàn diện Bảo tàng, việc trưng bày sẽ theo hướng hiện đại với những kỹ thuật động, hình ảnh 3D và có sự giao lưu với người xem. Giám đốc Bảo tàng, bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung cho biết, việc sửa chữa sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2018 để kịp đón khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30-4.

Nhịp cầu hội nhập

Có thể nói, Bảo tàng chính là cầu nối của địa phương với du khách quốc tế, để giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, quá khứ hào hùng của dân tộc. Nhịp cầu hội nhập ấy được thể hiện rõ nét tại Bảo tàng Cần Thơ khi năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, Bảo tàng đã đón 305.000 lượt khách, trong đó có đến gần 4.200 lượt khách nước ngoài. Những du khách nước ngoài bước đầu tìm hiểu đất và người Cần Thơ qua hình ảnh Cần Thơ xưa và nay và nghe thuyết minh viên kể về nét đẹp đất và người Tây Đô trong quá khứ và hiện tại. Anh W.Tony, du khách Anh, chia sẻ: “Cần Thơ có nhiều chuyện rất hay được lưu giữ tại Bảo tàng. Những câu chuyện kể ấy rất cuốn hút tôi”.

Cách đây chưa lâu, tại Bảo tàng Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ phối hợp Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm tranh “Dọc theo bờ sông Mekong” của họa sĩ Manoël Pillard. Ông Pillard đã rất xúc động khi tham quan Bảo tàng và được giao lưu với học sinh, sinh viên Cần Thơ. Ông cho rằng, những hoạt động như thế này sẽ kết chặt tình hữu nghị Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng với những người bạn Pháp.

Việc thu hút khách tham quan của Bảo tàng Cần Thơ còn nhờ đội ngũ thuyết minh viên thanh sắc tốt, am hiểu văn hóa bản địa và vốn ngoại ngữ lưu loát. Thuyết minh viên Nguyễn Thị Hoàng Oanh là điển hình. Học chuyên ngành ngoại ngữ nên chị Oanh tiếp cận công việc thuyết minh khá nhanh, có thể giải đáp bằng tiếng Anh những thắc mắc của khách nước ngoài. Đặc biệt, chị Oanh còn được Bộ Thông tin và Truyền thông mời thuyết minh những bộ ảnh, tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Họa sĩ Manoël Pillard giao lưu với học sinh, sinh viên Cần Thơ nhân buổi triển lãm tranh “Dọc theo bờ sông Mekong” của ông tại Bảo tàng Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Điểm đáng ghi nhận trong thu hút du khách của Bảo tàng Cần Thơ là những hoạt động sáng tạo như chương trình Sắc Xuân miệt vườn, Em tập làm thuyết minh viên, Tiết học Lịch sử tại Bảo tàng… Anh Đặng Hoàng Sang, Giáo viên dạy Sử của Trường THCS và THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai), từng dẫn nhiều đoàn học sinh tham quan Bảo tàng, cho biết: “Sự gần gũi, nhiệt tình của cán bộ Bảo tàng giúp các em sôi nổi, hứng thú hơn khi tham quan”. Nhiều học sinh, du khách nước ngoài đều hào hứng du hội Sắc Xuân miệt vườn, cùng múa ca, trải nghiệm làm bánh, ăn bánh…

Bảo tàng ngoài… bảo tàng

Nhiều người cho rằng, Bảo tàng trưng bày có chiều sâu hay hiện vật có giá trị; mà không có khách tham quan thì không còn ý nghĩa. Bảo tàng như chất xúc tác tạo sự kết nối, tạo sự thông cảm, hiểu biết giữa người với người. Nói cách khác, Bảo tàng cần trưng bày những cái gì cộng đồng quan tâm chứ không chỉ là trưng bày những gì Bảo tàng có. Nắm bắt quy luật này mà nhiều năm qua, Bảo tàng Cần Thơ luôn tìm tòi những mô hình, cách làm mới để đưa Bảo tàng đến gần với người dân, khách tham quan.

Hơn 10 năm qua, Bảo tàng đã kết hợp với các trường học trên địa bàn thành phố để kết hợp giới thiệu di sản, danh nhân trong giờ chào cờ đầu tuần. Hiện tại, đơn vị cũng đang phối hợp với 11 Trường THCS và THPT của TP Cần Thơ để triển lãm bộ ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những hoạt động không chỉ trong Bảo tàng mà lan rộng trường học, làng nghề, khu du lịch… Điển hình như hoạt động đưa học sinh tham quan làng nghề, trải nghiệm chương trình “Một ngày làm nông dân”... Hình ảnh các em lấm lem bùn đất, vui mừng khi bắt được con cá, con cua minh chứng sinh động cho hoạt động “bảo tàng ngoài bảo tàng”. Em Bảo Quí Tính, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, hào hứng: “Hoạt động này thật vui và giúp em cảm nhận được những vất vả của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng”.

Còn bà Trương Thị Đẳng (Hai Đẳng), nghệ nhân làng nghề dệt chiếu Cái Chanh (quận Cái Răng) dù bận bịu dệt chiếu vẫn nhiệt tình kể về nghề cho học sinh tham quan chuyện làng nghề. Bà Hai Đẳng nói: “Tuổi nhỏ mà có mấy dịp vầy thì hay lắm, biết chuyện xưa, nghề cũ. Bởi vậy, hễ Bảo tàng lên tiếng là tôi ủng hộ ngay”.

Những hoạt động ngoài Bảo tàng đã và đang tạo sức lan tỏa, giúp vun bồi nền tảng văn hóa lịch sử truyền thống cho người Cần Thơ và quảng bá hình ảnh đất và người Cần Thơ với bạn bè thế giới. 

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết