24/03/2008 - 09:09

Hạn và nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL

Canh cánh nỗi lo

Nhiều năm qua, tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm nay, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình trạng hạn - nước mặn xâm nhập sẽ diễn biến gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2007. Thiếu nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất; nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền khiến người dân vùng ĐBSCL canh cánh nỗi lo...

Khát nước sạch

Trung tuần tháng 3-2008, nhiều cánh đồng ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đất khô nứt nẻ, cỏ cây giảm dần sức sống. Nước trong mương vườn, ao nuôi cá gần như treo đáy. Số nước còn tồn đọng lại thì có màu xanh ô nhiễm. Bà Phạm Thị Niềm ở xã Quới Điền, bày tỏ: “Ăn Tết xong là phải đối mặt với hạn, mức độ khắc nghiệt cứ tăng dần”. Cạnh nhà bà Niềm có một ao chứa nước, đây là nguồn cung cấp nước duy nhất phục vụ sinh hoạt trong mùa khô. Nhưng đến thời điểm này, nước trong ao đã không còn.

Nhà ông Nguyễn Văn Phước, ở xã Mỹ Hưng có 15 cái lu trữ nước mưa để uống. Giờ các lu này không còn một giọt nước. Ao nước cạnh nhà chất thải của bò xổ xuống không thể sử dụng được. Mỗi sáng sớm, ông Phước phải sang con kinh nằm cặp lộ trước nhà gánh nước về sinh hoạt. Ông Phước lo lắng: “Nước ở các con kinh không được thay đổi ra vào, có kinh nước nằm lì một chỗ. Cả cánh đồng rộng lớn, mỗi năm gieo sạ 2 vụ lúa, phân bón thuốc trừ sâu đều rút xuống. Nước không qua xử lý lắng lọc, chỉ có việc đánh phèn chua rồi đưa thẳng vào sinh hoạt. Nghĩ tới mà lo nguy cơ bệnh tật”. Còn ở khu vực Rạch Mũi, ấp Quý An, xã Hòa Lợi nước trong các hồ chứa ứ đọng không đường thoát, phèn vàng tựa như “nước cà-ri” nhưng hàng chục hộ dân ở đây phải dùng cho sinh hoạt, vì không còn nguồn nước nào khác. Theo người dân sinh sống ở Thạnh Phú, cũng có xe đổi nước phục vụ tận nhà, nhưng một xe nước ngọt (khoảng 8 đôi) hiện có giá tới 30.000 đồng. Mức giá này vượt tầm tay của những hộ dân mà cuộc sống vốn vẫn còn lắm khó khăn.

Cá đồng trong đìa của ông Đỗ Khâm ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà  Mau bị chết vì nước mặn.
Ảnh: BÌNH NGUYÊN 

Không riêng gì Thạnh Phú, tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL. Đặc biệt ở Kiên Giang, tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, trên 10 hồ, giếng nước ngọt đã cạn kiệt; còn tại hai xã đảo Nam Du và An Sơn thuộc huyện Kiên Hải, nhiều giếng khơi, giếng đào đã bị xâm ngập mặn hoặc nước ngọt còn rất ít. Từ đầu tháng 3, các tàu ra đảo chuẩn bị phương án chở nước ngọt từ đất liền ra đảo để “cứu ngọt” cho người dân.

Nước mặn gây hại nghiêm trọng

Tại Cà Mau, trung tuần tháng 3, nước mặn đã xâm nhập nghiêm trọng vào vùng ngọt của huyện U Minh. Nhiều tuyến kinh như kinh 500, kinh Mương Phèn nước mặn đã đi sâu vào tận nội đồng. Tại khu vực này, “tranh thủ” sự “lơ là” của chính quyền, người dân đã phá các đập để đưa nước mặn vào nuôi tôm làm cho tình hình nhiễm mặn càng trở nên nghiêm trọng.

Ông Đỗ Khâm, ấp 1, xã Khánh Lâm, bức xúc: “Mình giữ ngọt để nuôi cá đồng, trồng cây ăn trái và làm lúa. Trong khi bên cạnh cứ “vô tư” bơm nước vào nuôi tôm làm cá chết, vườn cây khô lá nhưng không dám tưới nước”. Tổng diện tích đất sản xuất của ông Khâm khoảng 3ha, cho thu nhập hàng năm vài chục triệu đồng từ mô hình lúa - cá đồng - cây ăn trái. Nhưng 2 năm nay, năng suất lúa từ 30 giạ/công giảm xuống chỉ còn 15 giạ/công. Cá đồng thì chết trắng hầm vì nước mặn của ruộng kế bên tràn sang. Vườn bưởi hơn 30 gốc đang cho trái đang khô dần nhưng không dám tưới vì nước dưới ao đã nhiễm mặn. Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng Phòng Nông nghiệp -Thủy sản và Phát triển nông thôn (NN-TS&PTNT) huyện U Minh, cho biết: “Người dân tự ý đưa nước mặn vào là vi phạm quy định vì gây ảnh hưởng đến toàn vùng. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, lập biên bản xử lý và kiên quyết giữ ngọt”.

Vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, nằm giáp ranh với huyện U Minh, cũng đang bị vạ lây. Ông Sử Văn Minh, Trưởng phòng NN-TS&PTNT huyện Trần Văn Thời, bức xúc: “Trước đây, quy hoạch ngọt hóa chung cho 2 huyện nên các đập giáp ranh được phá ra để bà con dễ lưu thông. Giờ đây, mặn xâm nhập vào sâu, gây ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển 6.000 ha theo mô hình lúa - cá đồng và 1.000 ha màu của huyện”. Hầu hết các tuyến kinh vùng ngọt hóa tại huyện Trần Văn Thời đã nhiễm mặn với độ mặn từ 4-9‰. Trong đó, nghiêm trọng nhất là các kinh vùng giáp ranh 2 huyện như kinh Giáo Bảy, 1-5, 500 và 84 độ mặn đo được đã lên trên 17‰. Một số tuyến kinh khác như Mười Lương, tuyến kinh từ Đá Bạc về Cơi 5 nước mặn đã vào sâu vô nội đồng từ 1 -2 km và độ mặn một số nơi đã lên trên 9‰. Đây lại là khu vực ngọt hóa và quy hoạch sản xuất màu của huyện Trần Văn Thời, nên bà con cần nhiều nước ngọt để tưới tiêu. Anh Lý Văn Lượm, ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Nước mặn bốc hơi làm cho hầu hết các ruộng đậu xanh trong khu vực này chậm lớn. Nói chung nước mặn đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân”.

Hiện nay, ngoài Cà Mau, nước mặn đã và đang tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến nhiều vùng khác ở ĐBSCL. Tại TP Rạch Giá, nước mặn đã xâm ngập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kinh Rạch Giá - Hà Tiên ra xa hơn. Các cánh đồng trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ. Khu vực trồng rau ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá cũng đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm ngập đến kinh thủy lợi phía Nam. Tương tự, các vùng trồng màu ở Hòn Đất, Tân Hiệp nhiều nơi phải ngưng xuống giống. Riêng thị xã Hà Tiên, diện tích lúa vừa thu hoạch ở khu vực biên giới gần như phải phơi đất hoàn toàn vì không còn nước tưới tiêu do hạn và xâm ngập mặn. Còn ở Bến Tre, tại sông Cửa Đại, nước mặn vào đến xã Phú Thuận, huyện Bình Đại cách biển 30km; tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm độ mặn đo được đã trên 4%o.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn ĐBSCL, từ nay đến cuối tháng 4, tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp và nước mặn có khả năng xâm nhập vào đất liền 50- 60km.

Hạn chế mặn xâm nhập

Giờ đây, tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, ngay cả ở khu vực thị trấn, người dân cũng phải thở dài vì nguồn nước từ nhà máy nước cũng bị nhiễm mặn. Anh Nguyễn Văn Tiên, nhân viên nhà máy nước Hòa Lợi, cho biết: “Do cống Cả Rán gần nhà máy bị hư ron, nên nước mặn từ sông Cổ Chiên rò rỉ vào. Độ mặn đo tại nhà máy có lúc lên gần 4%0. Khách hàng có than phiền, nhưng tất cả nằm ngoài tầm tay khắc phục của nhà máy”.

Nhà máy nước Hòa Lợi và Quới Điền phục vụ gần 500 hộ dân. Vào thời điểm này, nước ở sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông độ mặn đo được bao nhiêu phần ngàn thì nước trong nhà máy tương tự như thế. Nước của nhà máy chỉ khác nước sông là qua xử lý lắng lọc. Anh Lê Văn Mộng, nhà máy nước Hòa Lợi nói: “Chúng tôi chỉ làm được thế, không thể xử lý nước mặn thành ngọt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cống nằm trong hệ thống thủy lợi 418 cụm Quới Điền đảm bảo ngọt hóa các xã thuộc tiểu vùng I và một phần tiểu vùng II của huyện Thạnh Phú, đều hư hỏng nặng”. Ông Nguyễn Văn Khuê, người dân ở vùng này, bức xúc: “Cống Cả Bần bị rò rỉ nước từ năm 2006. Không sửa thì mạnh dạn lấp cống lại. Nhân dân ý kiến hoài, song không thấy ngành chức năng đá động tới. Nay cả 3 cửa cống đều hư hỏng, nước ngoài sông cứ tự nhiên ra vào. Mùa này nước mặn, sang vụ lúa hè thu thì ngập úng. Người dân tiếp tục gánh thiệt thòi”.

Tại Cà Mau, để hạn chế mặn xâm nhập mặn, chính quyền huyện Trần Văn Thời đang đề nghị đắp 4 đập vùng giáp ranh giữ Trần Văn Thời và U Minh. Tuy nhiên, ông Sử Văn Minh, Trưởng phòng NN-TS&PTNT huyện, cho biết: “Đây lại là các công trình sử dụng nguồn vốn của tỉnh, nên phải chờ thiết kế và phê duyệt dự toán. Trước mắt, huyện sẽ ứng trước, thuê nhân công làm để kiên quyết giữ ngọt”. Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, lượng nước mặn phía U Minh xâm nhập vào Trần Văn Thời khá lớn, đã tạo thành dòng trên các kênh. Nếu không kịp thời xử lý thì nước mặn sẽ nhanh chóng lan ra toàn vùng ngọt hóa khác. “Các địa phương phải thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn, xác định các tuyến kinh nhiễm mặn để khuyến cáo người dân có kế hoạch sử dụng nước ngọt hợp lý” - ông Nguyễn Long Oai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, khuyến cáo.

Nhóm PV-CTV

Giáo sư – tiến sĩ Lê Sâm, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: “Năm 2007 là năm có lượng mưa trung bình lớn hơn năm 2006 nhưng xuất hiện sớm nên lũ về ĐBSCL ở mức thấp. Mực nước đầu nguồn trên sông Cửu Long vào những tháng cuối năm 2007 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2006. Đồng thời, với xu thế ngày càng gia tăng mực nước biển nên mức độ xâm nhập mặn mùa khô năm 2008 sẽ vào sâu và lớn hơn trung bình nhiều năm ở ĐBSCL”.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo độ mặn nền trên một số sông vùng ven biển ĐBSCL mùa khô năm 2008 như sau:

- Dọc sông Cửa Tiểu: Tháng 4 và tháng 5 là hai tháng mặn xâm nhập sâu nhất. Độ mặn 10 g/l có thể xâm nhập cách cửa sông từ 30 - 35 km; độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu đến 40-45 km.

- Dọc sông Hàm Luông: Độ mặn nền 10 g/l trong tháng 4 và tháng 5 có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 30- 35 km. Bắt đầu tháng 2, độ mặn 4 g/l đã xâm nhập sâu đến 42-45 km.

- Dọc sông Cổ Chiên: Độ mặn nền lớn hơn 10 g/l xuất hiện trong tháng 4 và tháng 5, xâm nhập sâu cách cửa sông hơn 40 km. Độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu đến 60 - 65 km. Mặn tháng 5 đạt giá trị cao nhất và xâm nhập sâu hơn các tháng khác.

- Dọc sông Định An: Trong các tháng 3, 4 và 5 độ mặn nền 10 g/l có thể xâm nhập cách cửa sông đến 30km. Độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu đến 35- 40 km. Tháng 5 là tháng đạt giá trị mặn lớn nhất.

- Dọc sông Trần Đề: Độ mặn nền 10 g/l trong tháng 3 và tháng 4 có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 30-35 km. Độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 40-45 km (Đại Ngãi) kể từ cửa sông. Tháng 3 có độ mặn nền cao nhất năm 2008.

- Dọc sông Cái Lớn: Độ mặn nền 10 g/l trong tháng 4 có thể xâm nhập sâu khoảng 30-35 km kể từ cửa sông. Tháng 4 có độ mặn nền cao nhất trong năm 2008.

Chia sẻ bài viết