11/04/2018 - 16:34

Cảnh báo tình trạng ô nhiễm ánh sáng nhân tạo 

Nếu nhìn từ không gian, các nhà khoa học cho biết hành tinh chúng ta vào ban đêm trông rất bắt mắt nhờ ánh đèn của các đô thị. Nhưng đi cùng vẻ đẹp này là tác động tiêu cực mà chúng mang lại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Ô nhiễm ánh sáng cũng là một dạng ô nhiễm môi trường, thường được dùng để chỉ những ảnh hưởng do lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức hoặc thiếu hợp lý vào ban đêm, điển hình từ các nguồn sáng như bóng đèn, màn hình tivi, điện thoại, máy tính bảng hay đèn đường, đèn xe... Nghiên cứu trong giai đoạn 2012-2016 của Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất ở Potsdam (Đức) từng cho thấy, 99% cư dân sống ở châu Âu và Bắc Mỹ nói riêng và 83% dân số thế giới nói chung đang sống dưới bầu trời bị ô nhiễm ánh sáng, trong đó, ánh sáng nhân tạo mở rộng phạm vi bao phủ với tỷ lệ 2% mỗi năm. Tình trạng “mất ban đêm” ở nhiều quốc gia đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho các quần thể động-thực vật và đặc biệt là sức khỏe con người. 

Ánh sáng nhân tạo từ các nguồn như đèn đường, điện thoại đang ngày càng ảnh hưởng sức khỏe con người. Ảnh: Getty Images

Hệ lụy sức khỏe

Tác động dễ thấy nhất chính là rối loạn giấc ngủ. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Sleep, những người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm ánh sáng cao thường ngủ trễ, giấc ngủ ngắn và không ngon giấc. Nguyên nhân là do tiếp xúc quá nhiều ánh sáng nhân tạo vào ban đêm từ các nguồn như đèn chiếu sáng trong nhà, tivi, điện thoại... dẫn đến ức chế sản sinh melatonin – hoóc-môn trong não chỉ tiết ra khi trời tối, giúp chúng ta cảm thấy buồn ngủ và ngủ ngon.

Một số nghiên cứu còn cho thấy phơi nhiễm ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng gien kiểm soát đồng hồ sinh học của cơ thể. Theo Giáo sư thần kinh học Steven Lockley, đồng hồ sinh học vốn hoạt động theo chu kỳ ngày–đêm, điều chỉnh các chức năng quan trọng như hành vi, sự hình thành hoóc-môn, giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể và sự trao đổi chất. Nhịp sinh học hoạt động theo ánh sáng Mặt trời dựa trên tín hiệu truyền từ tế bào ở võng mạc đến đồng hồ sinh học của não bộ. Đáng nói là các tế bào này cũng phản ứng với ánh sáng nhân tạo. Nếu chúng ta liên tục “ghi đè” tín hiệu ban ngày tới não trong khi trời đã vào đêm, nhịp sinh học của cơ thể sẽ bị rối loạn.

Tình trạng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng trao đổi chất, sức khỏe tinh thần, chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính chẳng hạn trầm cảm, béo phì hoặc tiểu đường. Ví dụ đơn giản, cơ thể chúng ta xử lý glucose (đường từ thực phẩm) tốt hơn vào ban ngày nhờ chu trình nhịp nhàng giữa tuyến tụy, gan, mô cơ và tế bào mỡ theo đúng tín hiệu sinh học. Nhưng nếu tuyến tụy tiết ra hoóc-môn insulin và không đồng bộ nhịp sinh học của gan hoặc các bộ phận khác trong cơ thể, nó làm giảm khả năng đốt cháy năng lượng của cơ thể, từ đó dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và tiểu đường típ 2.

Tình trạng rối loạn nhịp sinh học còn tạo điều kiện cho tế bào sinh trưởng bất thường, làm thay đổi nồng độ hoóc-môn, tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư nhất định, chẳng hạn ung thư vú.

Nhận biết rối loạn nhịp sinh học do ô nhiễm ánh sáng

Rất khó để nói chính xác liều lượng ánh sáng chúng ta có thể tiếp xúc trước khi nó bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố như bước sóng, màu sắc ánh sáng cũng như khoảng cách và thời gian tiếp xúc. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý nhịp sinh học cơ thể rất nhạy và dễ bị tác động bởi ánh sáng xanh phát ra từ bóng đèn huỳnh quang, đèn đi-ốt phát quang (LED) và các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính bảng...

Để phát hiện đồng hồ sinh học cơ thể liệu có bị ảnh hưởng do ô nhiễm ánh sáng, các chuyên gia thường đo nồng độ hoóc-môn melatonin. Nếu melatonin bị hạn chế sản sinh ở mức thấp, đồng nghĩa nhịp sinh học đang bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, mức độ ánh sáng khoảng 135 lux đủ ức chế sản sinh melatonin, trong khi một căn phòng chiếu sáng bằng đèn điện có cường độ khoảng 100-300 lux.

Làm thế nào để phòng chống ô nhiễm ánh sáng?

Theo nghiên cứu từng công bố trên tạp chí Neuropsychobiology, thức dậy và đón nắng sớm trong vài giờ không chỉ giúp tinh thần tỉnh táo mà còn giảm tác động của ánh sáng xanh tiếp xúc vào tối hôm trước. Trường hợp cần sử dụng thiết bị điện tử vào buổi tối, mọi người nên bật chế độ màn hình ban đêm (Night shift) đối với các thiết bị như iPhone, iPad hoặc dùng ứng dụng F.lux đối với thiết bị Android để giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị.

Người dùng có thể trang bị thêm bộ lọc màn hình chẳng hạn Blue Light Filter của Ocushield để lọc ánh sáng xanh nhưng vẫn không ảnh hưởng màu sắc chuẩn của thiết bị. Một số giải pháp khác có thể cân nhắc như mắc rèm cửa dày ngăn ánh sáng đèn đường, sử dụng bóng đèn có màu vàng ấm thay vì ánh sáng trắng hoặc dùng tròng kính lọc ánh sáng xanh, chống tia UV để bảo vệ mắt khi xem màn hình các thiết bị. 

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết