02/10/2011 - 21:44

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn listeria monocytogenes

Theo thông báo ngày 26-9-2011 của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về trường hợp ngộ độc thực phẩm từ loại dưa đỏ đã bị nhiễm khuẩn, gây cho trên 61 người mắc, trong đó có 12 người đã tử vong.

Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc:

Dưa đỏ của Mỹ (cantaloupe). 

Trường hợp ngộ độc mang tính chất phân tán như trên là do vi khuẩn listeria monocytogenes vây nhiễm vào loại dưa đỏ (cantaloupe) được trồng tại nông trại Jensen, bang Colorado. Sản phẩm trên được phân phối rộng rãi tại nhiều tiểu bang của Mỹ. Cách nay 3 tuần, lần lượt các ca ngộ độc đã được báo cáo tại 15 tiểu bang, theo số liệu chưa đầy đủ đã có trên 61 người mắc và có 12 ca tử vong. Theo điều tra bước đầu, một số dưa đỏ đã bị nhiễm khuẩn trong quá trình thu hái và vận chuyển. Vi khuẩn listeria phân tán rất rộng rãi trong môi trường đất, nước, phân gia súc nên rất dễ lây nhiễm qua thực phẩm.

Sự nguy hiểm của vi khuẩn listeria monocytogenes:

Nguy cơ của loại vi khuẩn này không chỉ dừng lại ở việc gây ra ngộ độc thực phẩm, mà chúng còn gây ra các bệnh lý nguy hiểm như sẩy thai, thai chết lưu, viêm não, nhiễm trùng huyết... Vi khuẩn listeria khi nhiễm vào cơ thể thường không phát bệnh ngay mà có giai đoạn ủ bệnh sau một thời gian khá lâu, trung bình khoảng 3 tuần, thậm chí đến 2 tháng. Chính vì vậy người ta thường không nhận biết sự tấn công của loại vi khuẩn này. Dấu hiệu khởi phát là có sốt, khó chịu, đau cơ... Nếu độc tố đủ mạnh chúng sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm khoảng 24 - 72 giờ, với triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau quặn bụng, nhức đầu... Tỷ lệ tử vong của trường hợp này rất cao, với khoảng 20 - 25% , đặc biệt ở nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em.

Việc phát hiện vi khuẩn listeria monocytogenes trong thực phẩm không phải là sự cố lần đầu, mà từ nhiều năm qua chúng đã gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Bỉ... Các vụ ngộ độc này thường dẫn đến tình trạng tử vong. Theo thống kê từ năm 2002 tại Mỹ, hàng năm tại nước này, số bệnh nhân nhiễm bệnh do vi khuẩn listeria khoảng 2.500 người, với gần 500 người chết; còn tại Anh từ 2001 - 2005 có 1.993 người mắc, với trên 300 ca tử vong; tại Canada hàng năm vẫn thường xảy ra các vụ ngộ độc do vi khuẩn Listeria. Gần đây tại Trung Quốc cũng đã báo cáo vài vụ ngộ độc do vi khuẩn này. Các nước đang phát triển, do thiếu điều kiện xét nghiệm, tầm soát loại vi khuẩn này, nên các trường hợp nhiễm bệnh hoặc ngộ độc thường bị bỏ qua.

Nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn listeria, cơ quan y tế các nước châu Âu, châu Mỹ, nước Úc, Nhật Bản... thường xuyên đưa ra những lời cảnh báo, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt các nguồn nguyên liệu thực phẩm. Với đặc điểm dịch tễ học phức tạp, vi khuẩn listeria monocytogenes được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm tác nhân sinh học có nguy cơ cao trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại thực phẩm từng xảy ra ngộ độc như bánh nhân thịt, cá sốt cà, thịt đông lạnh, sữa, phô mai, rau quả tươi sống...

Thiết nghĩ, với điều kiện phát triển nhanh các loại thức ăn công nghiệp cũng như việc kinh doanh tràn lan nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Việt Nam như hiện nay, thì thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn này không phải là ngoại lệ. Mặt khác, công tác điều tra dịch tễ và sàng lọc tác nhân gây bệnh chưa được đúng mức (phần lớn các tỉnh, thành chưa có đủ điều kiện xét nghiệm loại vi khuẩn này), vì vậy biện pháp tuyên truyền để phòng ngừa vẫn là cách tốt nhất.

Biện pháp phòng tránh:

Để giảm thiểu bệnh gây ra bởi vi khuẩn listeria monocytogenes và các bệnh lây truyền qua thực phẩm khác, chúng ta cần tuân thủ lời khuyên sau đây:

- Nấu kỹ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật;

- Rửa thật sạch rau, quả tươi sống trước khi ăn. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai nên hạn chế dùng rau, quả tươi sống. Trường hợp ăn trái cây nên lột vỏ hoặc gọt vỏ;

- Thực phẩm nên nấu chín, khi hâm lại phải đảm bảo độ sôi, kéo dài ít nhất 10 phút;

- Không dùng sữa tươi chưa qua khâu khử trùng;

- Tránh dùng thịt, cá đã rả đông nhiều lần từ tủ lạnh (dễ bị tái nhiễm vi khuẩn);

- Cần thu gom các chất thải bỏ từ nguyên liệu thực phẩm và thức ăn thừa đảm bảo vệ sinh, tránh để ruồi nhặng, côn trùng xâm nhập và phát triển;

- Tạo thói quen rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm và sau khi tiểu tiện.

CNYK. ĐÀM HỒNG HẢI
(Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết