05/08/2010 - 21:12

Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Khách du lịch tham quan Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Ảnh: NAM HƯƠNG

Tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển du lịch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được tổ chức tại Resort Hòn Trẹm (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, khu vực này có tiềm năng khá đa dạng với nhiều loại hình du lịch phong phú như: Du lịch sông nước, sinh thái với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái, biển đảo, di tích lịch sử và văn hóa... trong 6 tháng đầu năm 2010, lượng khách đến nghỉ dưỡng, tham quan du lịch trong vùng đạt mức gần 10 triệu lượt khách, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2009, trong đó gần 730 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 18,7% so cùng kỳ, với tổng doanh thu trên 1.521 tỉ đồng (tăng 27,8% so cùng kỳ năm 2009).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm lượng du khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng trong vùng có tăng và doanh thu cũng đạt cao hơn. Nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của toàn vùng, mà nguyên nhân do các địa phương phát triển sản phẩm du lịch có sự trùng lắp với nhau, gây nhàm chán đối với du khách. Trong khi, nhiều địa phương có những sản phẩm đặc trưng của mình, nếu được đầu tư đúng mức sẽ trở thành sản phẩm riêng biệt của địa phương, sẽ thu hút được nhiều du khách hơn. Theo đề xuất tại hội nghị này, trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực cần phải tăng cường liên doanh liên kết với nhau nhằm khai thác hết tiềm năng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, chọn lọc, sâu chuỗi lại thành những tour, tuyến chính để quảng bá hình ảnh du lịch của từng địa phương và toàn vùng ĐBSCL, nhằm tạo ra sự phong phú đa dạng và tránh trùng lắp như thời gian qua...

Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: “Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong việc tham gia Ban Chỉ đạo triển khai đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, là cầu nối cho sự phát triển du lịch toàn vùng. Tập trung lấy ý kiến bổ sung nội dung tiêu chí “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2010” nhằm thúc đẩy việc liên kết hợp tác du lịch của từng địa phương trong vùng, tạo nét mới thu hút du khách”. Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kiên Giang, đóng góp: “Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm sẽ là cơ hội đẩy mạnh du lịch ĐBSCL phát triển. Đồng thời, chúng ta nên đẩy mạnh liên kết hợp tác với các nước lân cận như: Thái Lan, Campuchia; trau dồi nâng cao trình độ của thành viên Hiệp hội, nên có những chuyến tham quan học tập kinh nghiệm du lịch các nước lân cận... để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển du lịch ĐBSCL”. Đồng chí Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Hiệp hội cần có đề án cụ thể để thúc đẩy liên kết du lịch của vùng; xác định những sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương tránh trùng lắp; tăng cường hợp tác kết nối với các vùng lân cận như TP Hồ Chí Minh, miền Trung... để phát triển du lịch của vùng ĐBSCL tốt hơn, phát huy hết thế mạnh của vùng”.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phải thật sự là đơn vị chủ công đứng ra tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tham gia đầy đủ lãnh đạo của các địa phương trong vùng. Để từ đó, phân tích thế mạnh của từng địa phương để “phân công” đầu tư khai thác những thế mạnh, quảng bá cho khách du lịch như mong muốn. Khai thác thế mạnh du lịch của từng địa phương trong vùng ĐBSCL không phải là vấn đề mới, nhưng muốn làm được cần phải có sự chuẩn bị kỹ, có một lộ trình thực hiện bài bản mới mong đạt được như kỳ vọng như chúng ta mong muốn...

LÊ SEN

Khách du lịch tham quan Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết