15/01/2013 - 00:25

Cần xã hội hóa việc sản xuất cây ăn trái theo hướng GAP

Khóm VietGAP ở Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: KHẢI CA

Nam bộ là vùng cây ăn trái trọng điểm của cả nước với diện tích khoảng 415.800 ha, sản lượng hàng năm 4,3 triệu tấn. Trong đó, vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có 288.268 ha cây ăn trái, sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) ở ÐBSCL còn khá khiêm tốn, chỉ có khoảng 0,14% diện tích, nhiều mô hình rất thành công nhưng cũng có mô hình chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Chỉ dừng lại ở mô hình

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt cho biết, đến nay, toàn vùng ĐBSCL có gần 300 ha mô hình cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, góp phần quảng bá nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam. Một số cây ăn trái được chứng nhận VietGAP như: Bưởi da xanh (Bến Tre), chôm chôm JaVa (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), nhãn tiêu da bò (Tiền Giang, Bến Tre), quýt hồng (Đồng Tháp)…đang phát huy hiệu quả trong việc đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và không đủ sản lượng xuất khẩu sang nước ngoài. Điển hình như Hợp tác xã Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang), có 11 ha xoài cát Hòa Lộc sản xuất theo qui trình VietGap được chứng nhận, không đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản. Riêng Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Mỹ Lương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, hiện tại HTX chỉ có 21 ha xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo hợp đồng ký với công ty Sanatra của Nhật Bản, xuất khẩu mỗi tuần từ 5- 10 tấn xoài cát Hòa Lộc, với thời gian cung ứng liên tục từ 5-7 tháng/năm.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Hiện sản xuất cây ăn trái theo hướng GAP ở ĐBSCL chỉ mới dừng lại ở các mô hình và tồn tại lớn nhất cho đến nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm trái cây an toàn. Theo Tiến sĩ Võ Mai, nguyên nhân là do chuỗi cung ứng lạc hậu, người sản xuất không tiếp xúc với thị trường là do thương lái quyết định. Do đó, dẫn đến nông dân chán nản quay lưng không muốn thực hiện theo qui trình GAP.

Bên cạnh những mô hình thành công thì cũng có những mô hình trong quá trình triển khai xuất hiện hạn chế lớn như: Sản xuất chưa gắn kết với thị trường nên một số cơ sở đạt chứng nhận VietGap, GlobalGap nhưng thị trường xuất khẩu chưa có hoặc không ổn định trong khi thị trường trong nước thương lái mua với giá như sản phẩm bình thường, nên ở một số địa phương xuất hiện tình trạng nông dân quay lưng với sản xuất theo hướng GAP, xin ra khỏi hợp tác xã có Giấy chứng nhận GlobalGAP quay lại cách sản xuất truyền thống như: HTX Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long). Đây là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đã nhận được chứng chỉ GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ châu Âu xây dựng, được áp dụng trên toàn cầu.

Theo Cục Trồng trọt, những mô hình thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có vai trò của doanh nghiệp hoặc Nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm. Đối với những mô hình chưa đạt được như sự mong muốn và người dân quay lưng lại với GAP là do diện tích chứng nhận GAP manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng thấp và sản phẩm GAP hầu như không có kênh tiêu thụ riêng, nên sản phẩm trái cây đạt chứng nhận GlobalGAP và VietGAP bị thương lái thu mua đánh đồng với giá sản phẩm không chứng nhận. Điều này dẫn đến nông dân không được hưởng lợi gì từ GAP trong khi phải đầu tư thêm nhiều chi phí (áp dụng GlobalGAP nông dân phải tuân thủ hơn 250 tiêu chí), trả chi phí chứng nhận GlobalGAP khá cao (khoảng 3.000-5.000USD/mô hình, tùy diện tích) và hiệu lực giấy chứng nhận chỉ có 1 năm. Do đó, dù nhiều nông dân đã cố gắng theo đuổi, áp dụng sản xuất theo hướng GAP, nhưng nếu không bán được giá cao thì họ sẽ quay về cách sản xuất cũ trước đây.

Ðẩy mạnh áp dụng sản xuất GAP trong nông sản

Sản xuất theo hướng GAP trên cây ăn trái ở vùng ĐBSCL được nhiều đại biểu tham dự hội thảo sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức vào đầu tháng 12-2012, nhìn nhận là như "con thuyền không lái", thiếu một nhạc trưởng cầm trịch và định hướng để phong trào phát triển bền vững. Trước thực trạng này, đòi hỏi các ngành chức năng cần có biện pháp tháo gỡ để tạo thêm sức bật cho mô hình này trong thời gian tới.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng trong thời gian tới, cần phải xã hội hóa việc sản xuất cây ăn trái theo hướng GAP, đồng thời phát huy vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các mô hình sản xuất GAP. Tiến sĩ Võ Mai cũng cho biết thêm, hiện ở các tỉnh phía Nam có 7 đơn vị được phép thanh tra cấp Giấy chứng nhận VietGAP nhưng không có qui định chung về chi phí chứng nhận, nên mỗi đơn vị tính khác nhau, gây khó khăn cho cơ sở thực hiện GAP khi chuẩn bị kinh phí. Theo qui định thì sau 1 năm phải đăng ký thanh tra chứng nhận lại nhưng đến nay hầu hết các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận GAP đều không tái đăng ký chứng nhận vì kinh phí quá cao, nên nông dân khó có thể tự trang trải.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, trong thời gian tới, cần phải có Logo chung cho VietGAP trên toàn quốc, qui định cụ thể việc sử dụng Logo này thế nào để đảm bảo uy tín chất lượng, thương hiệu trái cây Việt; nên thống nhất quan điểm về chứng nhận VietGAP để chỉ đạo triển khai áp dụng VietGap một cách quyết liệt, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT chủ trương tiếp tục đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất nông sản, vì đây là xu thế phát triển tất yếu và trong Luật An toàn thực phẩm đã qui định phải thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng GAP trong quá trình sản xuất.

Theo đó, để đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái theo hướng GAP ở ĐBSCL, thời gian tới, Bộ NN&PTNT và các địa phương trong vùng tăng cường hướng dẫn các cơ sở tổ chức lại sản xuất, thực hiện các qui chuẩn kỹ thuật theo VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn. Cơ sở đã và đang thực hiện VietGAP hoặc GAP khác nhưng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sẽ được hỗ trợ, không để nông dân quay về cách làm cũ, đồng thời tích cực chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh qui hoạch các vùng trồng một loại cây ăn trái chủ lực tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và củng cố lại mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ; nhân rộng các câu lạc bộ nông dân, câu lạc bộ khuyến nông; hỗ trợ, khuyến khích thành lập hợp tác xã hay tổ hợp tác sản xuất kiểu mới, tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế hợp tác phát huy hiệu quả...

CÔNG TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết