26/09/2012 - 20:41

Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cần tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn

Xây dựng website doanh nghiệp là một trong những hình thức ứng dụng CNTT giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng với chi phí thấp.

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT) được xem là "vũ khí lợi hại" để quản lý doanh nghiệp (DN). Trong thời điểm kinh tế khó khăn và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ứng dụng CNTT trong việc điều hành là một trong những giải pháp nâng cao tính cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ...

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, làm sao để có lợi nhuận luôn là vấn đề trăn trở của các DN. Quy tắc chung tính lợi nhuận cho DN bằng doanh thu trừ đi chi phí đầu tư ban đầu. Theo đó, để tăng lợi nhuận, DN có thể phát triển khách hàng mới nhằm tăng doanh thu là một giải pháp, song trong giai đoạn hiện nay thực hiện điều này rất khó. Tuy nhiên, vẫn còn một cách khác và tốt nhất là cắt giảm chi phí bằng cách ứng dụng công nghệ quản lý hiệu quả hơn, cắt giảm nhân viên, tái cơ cấu lại bộ máy... đây là những cách có thể nâng cao hiệu quả quản lý, tìm kiếm lợi nhuận từ chính trong nội tại của DN. Theo thống kê của Intel về tốc độ phát triển CNTT trên thế giới, năm 2010 tốc độ phát triển đầu tư vào CNTT của các DN trên thế giới tăng trưởng 10% mỗi năm, tăng trưởng rất nhanh. Và theo IDC dự đoán từ nay đến năm 2020, đầu tư vào CNTT và những thiết bị kết nối tăng 44 lần; mỗi người làm việc liên quan đến kỹ thuật số sử dụng 3,3 thiết bị, thiết bị CNTT trên thế giới tăng trưởng rất nhanh. Và một khi CNTT phát triển theo xu hướng tăng, các DN phải cạnh tranh với những đối thủ ứng dụng CNTT tốt hơn, quản lý hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cách thức kinh doanh sẽ thay đổi nếu DN không ứng dụng CNTT sẽ khó tiếp cận với khách hàng trong tương lai...

Tại hội thảo "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vi mô đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh vượt qua bối cảnh khủng hoảng kinh tế" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ tổ chức gần đây, ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, chia sẻ: Theo thống kê của ngành thông tin hiện có đến 25-30 triệu người dân Việt Nam sử dụng Internet – một con số rất lớn. Điều đó cho thấy đây là một môi trường tốt để áp dụng CNTT trong việc quản lý doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, số lượng DN sử dụng CNTT chỉ khoảng 10%... Trên thực tế, nền CNTT đã không ngừng phát triển để đưa ra hàng loạt sản phẩm phục vụ nhu cầu của các DN. Song, không phải tất cả các DN đều có thể áp dụng CNTT vào quản lý một cách hiệu quả và kinh tế. Bên cạnh đó, các DN còn lúng túng khi chọn giải pháp CNTT để áp dụng cho việc quản lý DN. Theo ông Phạm Lê Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ CNTT – VTC Intecom, phần mềm phục vụ trên thế giới đã phát triển hơn 10 năm nay, tuy nhiên, ở Việt Nam với nhiều lý do, như: DN chưa có nguồn kinh phí cho việc đầu tư CNTT hay chưa cần đến công nghệ này; những nhà phát triển đưa ra giải pháp thì không có nhiều kinh phí để đầu tư, dẫn đến DN Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với CNTT. Vì vậy, DN không có được các thông tin đầy đủ về việc ứng dụng CNTT cũng như đánh giá được nhu cầu của công ty mình trong lĩnh vực này.

Trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh cao DN cần đổi mới công nghệ nâng cao xu thế cạnh tranh. Để làm được điều đó DN phải biết đầu tư hợp lý, chọn đúng giải pháp CNTT để mang lại hiệu quả thật sự cho mình. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Tiếp thị Kênh bán lẻ - Tập đoàn Intel Việt Nam, đầu tư CNTT không đơn giản chỉ là DN mua sắm máy tính trang bị, mà quan trọng là ứng dụng những thiết bị này như thế nào để quản lý kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, khi đầu tư CNTT, phải đảm bảo 4 yếu tố: hiệu quả, có nghĩa là DN phải ứng dụng được CNTT trong quá trình kinh doanh cũng như sản xuất; chi phí đầu tư thấp; đảm bảo tính bảo mật, bởi khi sử dụng CNTT, DN tiếp cận nhiều hơn với tri thức, có thêm nhiều khách hàng, ngược lại xảy ra vấn đề rủi ro trong quản lý kinh doanh, thông tin có thể rò rỉ ra ngoài và yếu tố cuối cùng là các DN phải được hỗ trợ sau bán hàng, có như thế DN mới an tâm đầu tư CNTT. Thông qua các công cụ của CNTT, như: website, phần mềm bán hàng, phần mềm quản lý thông tin khách hàng… DN có thể nhanh chóng cung cấp thông tin sản phẩm, tạo ra các dịch vụ mới, sản phẩm mới để tiếp cận một thị trường mới, khách hàng mới hay chăm sóc các khách hàng cũ tốt hơn với chi phí thấp nhất. Cũng thông qua các phần mềm quản lý sản xuất, phân tích giá thành, lợi nhuận… hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Song, để ứng dụng CNTT thật sự mang lại hiệu quả, DN cần phải biết "liệu cơm gắp mắm", xác định rõ thực trạng và nhu cầu về CNTT của DN để đầu tư đúng mức; lựa chọn sử dụng các gói CNTT phù hợp vừa túi tiền lại phát huy được hiệu quả trong điều kiện thực tiễn của DN...

Có thể nói, Internet đã tạo ra một luồng gió mới trong thế giới kinh doanh, với những lợi thế và thách thức mới. Phát triển về khoa học công nghệ tạo sự tăng trưởng không giới hạn cho DN. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, môi trường kinh doanh cũng ngày càng mang tính cạnh tranh cao, lựa chọn giải pháp CNTT phù hợp với mục đích và mô hình kinh doanh của DN là một hướng đi mới tạo sự phát triển hiệu quả nhanh chóng và bền vững...

Bài, ảnh: T. Trinh

Xây dựng website doanh nghiệp là một trong những hình thức ứng dụng CNTT giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận khá

Chia sẻ bài viết