01/11/2009 - 20:59

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Một góc Khu công nghiệp ở Tiền Giang.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2008 đạt 92.521 ti đồng, đứng thứ 3 sau vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị ngành Công thương ĐBSCL lần thứ XII-2009 do Bộ Công thương tổ chức tại tỉnh Tiền Giang vừa qua, các đại biểu tham dự đã bàn bạc, thảo luận nhằm tìm ra một giải pháp thích hợp để tăng tốc phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng trong cơ cấu dịch vụ - công nghiệp, xây dựng so với khu vực nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cố gắng theo kịp và vượt tốc độ phát triển bình quân cả nước...

TIỀM NĂNG LỚN

Cung cấp khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước hằng năm, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước; và là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở ĐBSCL còn chậm, nông nghiệp chiếm trên 40% cơ cấu GDP, trong khi bình quân cả nước chỉ có trên 20%...

Theo thống kê, đến đầu năm 2009, toàn khu vực ĐBSCL có 99.966 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, chiếm 92,25% số cơ sở công nghiệp toàn vùng, tăng 15.931 cơ sở so với năm 2005. Toàn vùng hiện có 65 Khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 26.511ha, trong đó có 52 khu đang hoạt động với diện tích 16.594 ha, thu hút 574 dự án đầu tư (có 140 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 2,795 tỉ USD. Hiện có 32 cụm đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.816 ha, tổng vốn đầu tư 46.373 tỉ đồng, thu hút 109 dự án trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho 52.400 lao động. Theo quy hoạch toàn vùng đến năm 2020 có 211 cụm, tuyến công nghiệp với tổng diện tích là 21.298ha.

Tiềm năng của ĐBSCL về công nghiệp chế biến là rất lớn, trong đó chủ yếu là chế biến thủy sản, chế biến rau quả. Theo thống kê, chế biến thủy sản năm 2008 đạt sản lượng trên 597.600 tấn, tăng bình quân 21% trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2008. Toàn vùng hiện có 133 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất trên 690.000 tấn/năm với các loại sản phẩm chủ yếu là cá tra phi-lê, tôm đông lạnh... Riêng chế biến rau quả (đóng hộp) đạt 14.709 tấn năm 2008. Tại tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang là doanh nghiệp có quy mô lớn có tổng công suất chế biến rau quả hộp, đông lạnh, cô đặc khoảng 15.000 tấn/năm gồm các sản phẩm làm từ khóm, nhãn... Ngành xay xát lương thực là ngành nghề truyền thống trong vùng với sản lượng đạt 7.883.000 tấn trong năm 2009, trong đó có khu xay xát lúa gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được xem là chợ gạo của miền Tây với hàng trăm nhà máy xay, lau bóng gạo. Ngoài ra, ĐBSCL còn có thế mạnh về làng nghề và nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn rất đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại. Toàn vùng có 161 làng nghề (trong đó có 133 làng nghề đã được công nhận), thu hút trên 84.000 lao động, trong đó làng nghề đan lác chiếm tỷ lệ cao nhất vì xu hướng ưa chuộng sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường. Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối, lác... đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đối với sản phẩm là thực phẩm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống đang xây dựng được thương hiệu và được ưa chuộng như: Hủ tiếu Mỹ Tho, mắm tôm chà Gò Công, bánh rế Cái Bè (Tiền Giang), bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre)...

NHIỀU BẤT CẬP...

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến phát biểu của đại diện một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, việc đầu tư hạ tầng ở các cụm công nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn và chậm so với yêu cầu phát triển công nghiệp. Nguyên nhân chính vẫn là việc thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường đối với ĐBSCL là rất đáng quan ngại vì phần lớn các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng là điều không tránh khỏi trong hiện tại và tương lai. Bình quân mỗi năm các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL thải ra trên 6.000 tấn chất thải rắn, gần 250.000 tấn chất thải rắn công nghiệp, 3.800 tấn rác thải y tế và 102 triệu m3 nước thải sinh hoạt... Còn đối với các làng nghề truyền thống như đã nêu trên, hầu hết các làng nghề đều mang tính tự phát nên chưa có hướng phát triển cụ thể và bài bản. Tỷ lệ hơn 80% làng nghề không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nghề thủ công truyền thống đòi hỏi phải cạnh tranh nguồn lao động với hoạt động sản xuất công nghiệp... Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: Kinh tế nông thôn ở ĐBSCL hiện còn thể hiện nhiều bất lợi, cơ sở hạ tầng nông thôn được xếp vào hàng trở ngại thứ hai dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi xúc tiến đầu tư chưa mang lại kết quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở nông thôn rất khó tiếp cận thông tin thị trường, vốn tín dụng triền miên khó khăn...

Theo nhận định và đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu, hiện công nghiệp và thương mại nông thôn vùng ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách để đẩy mạnh quá trình phát triển của công nghiệp và thương mại nông thôn ĐBSCL tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu nhấn mạnh: Cần triển khai mạnh các giải pháp đồng bộ thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; tổ chức sản xuất, duy trì và phát triển sản xuất ở các làng nghề; nâng cao chất lượng việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; tăng cường xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường chính sách xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU

Chia sẻ bài viết