07/08/2012 - 20:33

Phòng chống bệnh chổi rồng

Cần thực hiện đồng loạt

Cắt tỉa cành nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng tại một vườn nhãn ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TPCT.

Bệnh chổi rồng xuất hiện trên cây nhãn đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho các nhà vườn trồng nhãn ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL. Đáng báo động hiện nay bệnh chổi rồng trên nhãn có dấu hiệu lây lan sang một số loại cây ăn trái khác. Sẽ rất nguy hiểm nếu không có biện pháp kịp thời khống chế, tiêu diệt các mầm bệnh...

Tại TP Cần Thơ, bệnh chổi rồng trên cây nhãn tuy xuất hiện trong những năm gần đây nhưng nhanh chóng lây lan trên diện rộng tại hầu hết các vườn nhãn trên địa bàn thành phố. Trước tình hình này, ngày 12-4-2012, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 847/QĐ-UBND công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn thành phố, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn TP Cần Thơ.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, bệnh chổi rồng trên cây nhãn bắt đầu xuất hiện từ năm 2001 -2005 tại một số tỉnh vùng ĐBSCL. Đến năm 2008, bệnh này mới xuất hiện ở TP Cần Thơ nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh trên các vườn nhãn còn rất ít. Nhưng đến nay, đã có hơn 1.597ha nhãn bị nhiễm bệnh, chiếm hơn 99% tổng diện tích trồng nhãn trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, dù người dân rất tích cực phòng trị bệnh chổi rồng nhưng do việc tổ chức phòng trị chưa đúng, thiếu các thông tin kỹ thuật... nên kết quả mang lại còn hạn chế và chưa ngăn chặn được sự lây lan của bệnh. Để phòng chống bệnh chổi rồng hiệu quả và tránh bệnh tái phát, cần phải phát động và tổ chức vận động tất cả nhà vườn trồng nhãn thực hiện tốt việc cắt và tiêu hủy cành nhãn bị bệnh để diệt nguồn bệnh, nhện lông nhung đang lưu tồn trên các vườn nhãn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành chức năng; chăm sóc, quản lý dinh dưỡng hợp lý, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, tăng sức chống chịu, từ đó hạn chế dần sự phát triển, lây lan và tái nhiễm bệnh, bảo vệ năng suất, sản lượng nhãn...

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, hiện có 7 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ. Thời gian qua, nhiều địa phương trong vùng đã tích cực ra quân phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm vẫn còn cao do các cành trên các cây nhãn bị bệnh chưa được cắt và tiêu hủy một cách đồng loạt. Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều diện tích trồng nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, địa phương đã sớm công bố và đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh. Theo đó, nhà vườn trồng nhãn tiến hành thực hiện tốt việc cắt, tiêu hủy các cành nhãn bị bệnh; phun thuốc trừ nhện lông nhung... Song, những cây nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng mọc ở ven đường hoặc được trồng rải rác ở sân nhà của người dân, hay quán ăn, quán quán cà phê... tạo bóng mát lại không được xử lý cắt cành và tiêu hủy mầm bệnh. Do vậy, tỷ lệ tái nhiễm bệnh chổi rồng tại các vườn nhãn ở Đồng Tháp là khá cao, hơn 30%.

Theo kết quả nghiên cứu của các ngành chức năng, bước đầu xác định tác nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamama Proteobacteria gây ra. Nhện lông nhung được xác định là môi giới lây truyền bệnh. Hiện nay, bệnh chổi rồng hại nhãn chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc đặc trị côn trùng môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung...
Để phục vụ cho công tác phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn, hiện Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam ấn hành Sổ tay hướng dẫn phòng trừ nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng hại nhãn và tiến hành cấp phát cho bà con nông dân. Sổ tay được biên soạn từ những kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ và kết quả thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch tại các địa phương.

Ngày 28-7-2012, tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn TP Cần Thơ tổ chức ra quân phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn. Tại lễ ra quân, đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Dù thành phố đang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại dịch vụ nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh cho người dân. Trong đó, nhãn là loại cây trồng có thể giúp nhà vườn có thu nhập từ 90-150 triệu đồng/ha/năm. Sự xuất hiện của dịch bệnh chổi rồng đang làm cho nguồn thu nhập từ cây nhãn của nhà vườn đang dần bị mất. Bệnh chổi rồng trên cây nhãn không gây chết cây nhưng gây thiệt hại kinh tế rất lớn do cây nhãn bị bệnh sẽ không cho trái. Rút kinh nghiệm thực tế công tác phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn, theo Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn TP Cần Thơ, các ngành, các cấp cần ra quân phòng chống bệnh theo hướng cộng đồng và đồng loạt trên diện rộng. Theo đó, cùng với UBND thành phố, sự tham gia quyết liệt của ngành nông nghiệp, các sở ngành hữu quan, các đoàn thể và toàn bộ nhà vườn trồng nhãn là cấp thiết. Các cấp, các ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai dập dịch chổi rồng đúng quy trình, hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật; tích cực hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện tốt việc cấp miễn phí thuốc trừ nhện lông nhung cho người dân phòng chống dịch bệnh chổi rồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để hỗ trợ người dân phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn, các vườn nhãn bị nhiễm bệnh từ 70% trở lên sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng/ha và 5 triệu đồng/ha cho các vườn nhãn nhiễm bệnh dưới 70%. Chi phí hỗ trợ trên bao gồm: việc cắt và tiêu hủy cành nhãn bị nhiễm bệnh, thuốc trừ nhện lông nhung cho 6 lần phun theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết