16/04/2011 - 08:42

PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ 5 TUỔI Ở TP CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2010-2015

Cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt

Cơ sở vật chất trường lớp hiện đại góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Trong ảnh: Các cháu Trường Mầm non Bông Sen biểu diễn tiết mục văn nghệ nhân dịp khánh thành trường.

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, các tiêu chí đảm bảo việc dạy và học ở cấp học này trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015, vừa được lãnh đạo thành phố triển khai vào đầu tháng 4-2011, liệu có giải quyết được những bất cập này?

* Bộn bề khó khăn

Tình trạng học nhờ, học gởi ở bậc học mầm non đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là các địa bàn xa trung tâm thành phố. Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, có 7 điểm lẻ thì cả 7 điểm đều là phòng học mượn. Ngay phòng làm việc của Ban Giám hiệu cũng là phòng Đoàn, Đội của Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3. Cô Phạm Thị Phương Uyên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh, cho biết: “Do học nhờ, học gởi nên trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn. Trường cũng không có sân chơi đặc thù của trẻ mầm non. Một số điểm trường xuống cấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học”. Trường Mẫu giáo Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ thì hầu hết cũng là phòng học nhờ, một số điểm trường cũ kỹ do được cất tạm nhiều năm... Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Thạnh, tính theo điều lệ trường mầm non, Vĩnh Thạnh cần đến 169 phòng học, nhưng thực tế, hiện nay toàn huyện chỉ có 54 phòng học, trong đó có đến 33 phòng là phòng “mượn” của các trường tiểu học và nhà dân... Không riêng gì huyện Vĩnh Thạnh, hầu như các quận, huyện khác đều thiếu cơ sở vật chất dành cho bậc học mầm non. Ở quận Cái Răng, một trong những quận trung tâm của thành phố, cũng còn thiếu đến 30 phòng học...

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mạng lưới trường lớp mầm non của thành phố hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu gởi trẻ. Hiện còn 12/68 xã, phường chưa có trường mầm non. Chỉ có 5/9 quận, huyện có trường mầm non trọng điểm. Ở cấp học này, toàn thành phố còn thiếu khoảng 500 phòng, trong đó có 258 phòng dành cho mẫu giáo 5 tuổi; trong số 366 phòng học hiện có cũng chỉ có 124 phòng kiên cố. Điều kiện cơ sở vật chất còn quá thiếu hụt đã dẫn đến việc huy động trẻ ở cấp học mầm non ra lớp gặp không ít khó khăn. Năm học 2010-2011, tỷ lệ huy động nhà trẻ trên toàn thành phố chỉ đạt 0,05%, mẫu giáo 69,23%, mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày chỉ đạt 66%. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non ở TP Cần Thơ hiện đang rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng. Toàn ngành thiếu đến 52 cán bộ quản lý và 342 giáo viên mầm non. Do thiếu giáo viên nên các trường phải hợp đồng những giáo viên chưa qua trường lớp sư phạm để giảng dạy, vì vậy, chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ cũng còn nhiều hạn chế.

* Mở ra nhiều hy vọng...

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, đầu tháng 4-2011, TP Cần Thơ triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015. Theo kế hoạch này, thành phố sẽ xây dựng bổ sung 496 phòng học mới và khoảng trên 57.000m2 khối phòng chức năng theo tiêu chuẩn của điều lệ trường mầm non; xây dựng mới 20 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 50% toàn thành phố. Thành phố cũng sẽ tập trung đào tạo mới 1.850 giáo viên để đảm bảo có đủ giáo viên dạy các lớp mầm non 5 tuổi 2 buổi/ngày và 50% giáo viên có trình độ trên chuẩn; trang bị thêm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và máy vi tính... để trẻ mầm non có thể học Chương trình giáo dục mầm non mới... Nếu kế hoạch được triển khai đúng tiến độ, đến năm 2015, TP Cần Thơ sẽ có được mạng lưới trường mầm non ổn định. Trẻ em dù ở trung tâm thành phố hay các huyện vùng ven đều được học trong những phòng học có cơ sở vật chất hiện đại và được chăm sóc bởi những giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ đạt 30%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo là 90% (trong đó, trẻ 3-4 tuổi phải đạt 80%)...

Với kế hoạch này, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giảng dạy ở bậc học mầm non hiện nay sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ, giáo viên cũng còn băn khoăn, lo lắng. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, nêu lên thực trạng: “Nếu khoảng cách từ nhà đến trường quá xa sẽ rất khó huy động trẻ, vì thế toàn huyện Cờ Đỏ có 16 trường mầm non, mẫu giáo nhưng có gần 60 điểm lẻ. Các giáo viên dạy học ở điểm lẻ phải đi khá xa, nhưng do quy định hiện nay vẫn chưa có thêm khoản phụ cấp nào để động viên các giáo viên bám trường, bám lớp”. Sự “thiệt thòi” này khiến nhiều giáo viên mầm non không khỏi tâm tư. Cô Lê Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Do mới ra trường, lương của tôi hiện nay chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/tháng. Nếu được phân công dạy mẫu giáo 5 tuổi ở điểm lẻ thì mỗi ngày phải mất 4 lượt đi về, chỉ riêng tiền xăng mỗi tháng đã gần một nửa lương, vì vậy làm sao lo cho gia đình, con cái...”. Đây cũng là tâm sự của nhiều giáo viên mầm non ở các trường vùng ven còn nhiều khó khăn: trường lớp thì thiếu thốn, giáo viên không có phụ cấp ưu đãi nào...

Từ thực tế ở Bình Thủy, là một trong những quận trung tâm của thành phố nhưng còn nhiều đối tượng nghèo, trẻ em trong các gia đình thuộc đối tượng này thường không được cha mẹ cho đến lớp mầm non, vận động các em ra lớp vài ngày lại nghỉ. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, đề nghị song song với kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015, cần tăng cường chăm lo cho các hộ nghèo, cũng là một cách để giữ trẻ ở lại trường. Đồng thời, ông Hòa đề nghị thành phố có kế hoạch xây dựng trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp để tạo điều kiện học tập cho con em công nhân. Đối với các đơn vị phát triển tốt hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập như Ninh Kiều, bà Phạm Thị Thiện, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, đề nghị chấp thuận những trẻ 5 tuổi đang học ở các trường ngoài công lập cũng là những đối tượng của kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015.

Rõ ràng, nếu được chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng tiến độ, kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015 sẽ tạo nên những bước chuyển mới không chỉ cho bậc học này mà còn tạo đà để nâng cao chất lượng giáo dục toàn thành phố. Tuy nhiên, những vấn đề mà các cán bộ, giáo viên đề xuất, cũng như còn lo lắng, băn khoăn cũng cần được các cấp lãnh đạo quan tâm, sớm xem xét và có hướng giải quyết hợp lý.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết