14/06/2009 - 20:04

Cần thực chất và hiệu quả

Trong những ngày này, Ban Dân vận các quận, huyện trong thành phố Cần Thơ tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” theo sự chỉ đạo của Ban Dân vận Thành ủy. Theo đó, Ban Dân vận Thành ủy chọn mô hình “Sinh hoạt dân chủ ra dân” của Ban Dân vận Quận ủy Ninh Kiều nhân rộng ra tất cả các quận, huyện trong thành phố; phấn đấu mỗi quận, huyện có ít nhất 50% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này đạt hiệu quả cao. Ngoài ra còn có các mô hình: “Vận động nông dân sản xuất màu, đưa màu xuống chân ruộng” mà Hội Nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua; mô hình “Xây dựng cầu đường giao thông nông thôn và cất nhà tình thương” của Ban Công tác Mặt trận khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt. Đối với những phường có đồng bào dân tộc Khmer ở quận Ô Môn và 50% xã có đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Thới Lai và Cờ Đỏ thì nhân rộng mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế gia đình” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, đã thực hiện hiệu quả...

Theo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy, những điển hình “dân vận khéo” này đã thể hiện được những ý tưởng hay, những cách làm sáng tạo, khéo léo trong tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy, thời gian qua, trong quá trình chỉ đạo xây dựng mô hình “dân vận khéo” ở một số quận, huyện còn thiếu tập trung, chưa bám sát tiêu chí mô hình “dân vận khéo”. Cụ thể, nhiều đơn vị xây dựng mô hình “dân vận khéo”, nhưng đó lại chính là nhiệm vụ chuyên môn phải làm, không làm không được. Một số mô hình được xây dựng, nhưng lại không phù hợp với thực tế địa phương, nên khó nhân rộng và thiếu bền vững; cũng có mô hình trên thực tế có hiệu quả, nhưng khi đánh giá không đưa ra được các kinh nghiệm làm cơ sở để nhân ra... Vì thế, năm 2008, chỉ có 34/175 mô hình đăng ký được cấp thành phố công nhận là mô hình “dân vận khéo”.

Để có được những mô hình dân vận khéo, đòi hỏi người cán bộ làm công tác dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, để có thể nắm bắt được những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà đề ra mô hình thích hợp. Bên cạnh đó, phải khéo léo vận động quần chúng, khơi dậy được ý thức trách nhiệm công dân, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, mang lại lợi ích trong từng địa phương, đơn vị và bản thân quần chúng. Thiết nghĩ lãnh đạo các địa phương cần bám sát các tiêu chí và quan tâm chỉ đạo, khắc phục hạn chế để ngày càng có nhiều mô hình “dân vận khéo” đạt chất lượng, mang hiệu quả thiết thực.

NHẬT MY

Chia sẻ bài viết